Kinhtedothi - Mười năm tự nguyện ra đầu làng điều khiển giao thông, mong ước duy nhất của ông Phạm Đình Chính (Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) chỉ đơn giản là: Mọi người được bình yên trên những nẻo đường. Dù đã ngoài 80 tuổi, ông vẫn hừng hực lửa, bền bỉ gìn giữ cho mong ước ấy.
Mười năm canh cổng làng
Lai Xá, ngôi làng có nghề làm ảnh nổi tiếng nằm ngay QL32, cạnh khu đô thị cao cấp Thăng Long 9 (Kim Chung - Di Trạch ). Ngôi làng vốn đã sầm uất, đất chật người đông giờ lại tăng dân số đến chóng mặt do làn sóng đô thị hóa, vì thế, cứ vào giờ cao điểm, các phương tiện giao thông qua lại tấp nập. Cổng làng Lai Xá là nơi 5 con ngõ chính của cả làng gặp nhau. Buổi sáng, cả mấy ngàn con người tuôn ra từ 5 con ngõ qua cổng làng để đi học, đi làm…, tha hồ mà ùn tắc. Nhưng không! Đứng trấn ngay cổng làng, đầu của 5 con ngõ ấy là một ông lão tay cầm gậy, miệng ngậm còi, tay đeo băng đỏ oai phong, lẫm liệt. Rất bình thản giữa đám lộn xộn, ông lão chỉ gậy vào một đầu ngõ thổi còi "Toét…", thế là dòng xe của con ngõ đó tuôn ra cổng làng, còn những ngõ còn lại, các phương tiện trật tự đứng im chờ đến lượt.
Công an viên xã Kim Chung Nguyễn Văn Tiến cho biết: "Dân số xã tăng chóng mặt, nhưng cả Ban Công an xã chỉ có 13 người. Không nhờ cụ Chính làm công tác điều tiết giao thông thì gay lắm. Cụ có uy, ra hiệu lệnh là dân chấp hành răm rắp!".
Nắng lên, người đã vãn, ông lão điều hành giao thông lúc nãy đã kéo ghế ngồi pha trà dưới cổng làng, thảnh thơi, vô tư lự...
Ông Chính đã tự nguyện đứng ở đây làm công việc này từ năm 2005, không phụ cấp. Mỗi ngày, ông chia làm 3 ca sáng, trưa, chiều vào những lúc cao điểm. Ròng rã hơn ba ngàn sáu trăm ngày nay, ông lão đã đội mưa nắng để bà con trong làng có được những chuyến đi suôn sẻ…
Đang nhấp chén trà thơm vừa ngấm, ông Chính bỗng buông chén vớ lấy cái còi "Toét…", hai cu cậu đầu trần định phi xe máy lẻn qua cổng làng bị ách lại. Ông Chính ra ngó rồi bảo: "Chúng mày giỏi! Không đội mũ bảo hiểm đi xe ra đường rồi ngã ra đấy, bị chấn thương sọ não thì có phải khổ bố mẹ chúng mày không? Con nhà nào đấy? Để xe đây, đi bộ về lấy mũ bảo hiểm đội vào ngay. Tao lại gọi bố chúng mày ra, "nó" chả đánh cho nhừ đòn bây giờ!". Hai cậu choai choai lón cón đi về lấy mũ, ông Chính mở cái túi (ông gọi là cái xắc cốt) đeo kè kè cạnh sườn ra, lấy quyển sổ rồi ghi vào cẩn thận. Ông bảo: "Phải ghi vào cho nhớ rồi còn nhắc nhở bố mẹ chúng nó, bọn này nhất định phải để bố mẹ nó "trần" cho một mẻ, để chừa tiệt cái thói ngông nghênh đi". Thấy thế, Công an viên xã Nguyễn Văn Tiến nháy mắt thán phục: "Ông cụ đúng là vị Hộ pháp canh cổng làng".
Mai này, cổng làng ấy… còn ai?
Sinh năm 1934, ông Phạm Đình Chính như những người con khác của làng ảnh Lai Xá, luôn phải phiêu bạt các nơi làm nghề. Cho mãi đến năm 1983, ông mới trở lại quê hương. Trong thời gian đi làm ảnh khắp nơi, ông đã phải chứng kiến nhiều vụ TNGT đau lòng. Ông hiểu, nguyên nhân của hầu hết những vụ tai nạn thảm khốc đều bắt nguồn từ những bất cẩn, vô tâm rất nhỏ. Đến đầu năm 2000, ông phải nghỉ hẳn việc làm ảnh. Cùng lúc đó, làng Lai Xá bắt đầu chuyển mình đón làn sóng đô thị hóa. Người dân khắp nơi kéo về mua đất xây nhà, rồi các nhà máy, xí nghiệp lân cận mọc lên. Khu đô thị Di Trạch cũng bắt đầu hình thành, tình hình giao thông bắt đầu trở lên hỗn loạn. Hàng ngày, ông chứng kiến nhiều vụ va chạm giao thông, người làng đang thân thiết nhưng sau những va chạm đã quay ra cãi vã, thù hằn nhau, khiến ông buồn lắm. Sau lúc buồn, ông lại sợ, ông sợ vì một vài bất cẩn hoặc vô tâm nào đó, những vụ TNGT thương tâm bất thần rơi xuống người thân, bạn bè mình trong ngôi làng ông yêu như máu thịt. Rồi ông xin với trưởng thôn cho phép mình ra đứng ở cổng làng để điều khiển giao thông.
Cũng không phải dễ dàng để giao thông Lai Xá chấp nhận đi vào quy củ theo sự điều hành của ông Chính như bây giờ. Một ông lão hơn 70 tuổi, không chức sắc, chẳng quyền hành bỗng dưng cầm gậy, thổi còi, "múa may" nơi đầu làng… Quả thật, việc này lúc đầu cũng gây "chướng mắt" cho dân làng. Tuy nể ông là người cao niên nhưng nhiều người cũng không "đếm xỉa" đến những hiệu lệnh của ông. Ông Chính biết rõ điều đó, tự nhủ "Lòng thành cảm Phật", ông mày mò học ở các công an viên phương thức điều hành giao thông. Biết có mấy đồng chí công an nghỉ hưu đến mua đất làm nhà gần làng, ông tìm đến hỏi han, nhờ hướng dẫn… Hình ảnh ông lão cầm gậy, thổi còi chỉ dẫn giao thông nơi đầu làng dần trở nên quen thuộc, đơn giản vì "làm theo hiệu lệnh của ông thì không bị tắc đường". Và đến một lúc, hình ảnh ông Chính đã trở thành một phần không thể thiếu của cổng làng Lai Xá mỗi sáng mai hay khi chiều tà.
Khi đã trở thành một phần không thể thiếu của giao thông Lai Xá và xã Kim Chung, vị "Hộ pháp" canh cổng làng này lại có một canh cánh: "Tôi đã ngoài tám mươi, sắp đến lúc tuổi hạc vân du với gió trời. Lúc ấy liệu có ai thay tôi gánh vác việc này nữa không?"
Ông Phạm Đình Chính đang làm nhiệm vụ giữ gìn ATGT tại cổng làng Lai Xá. Ảnh: Hiền Nhân
|
Cụ Phạm Đình Chính là một tấm gương cao cả về sự tận tụy, cống hiến, hy sinh cho sự bình yên của mọi người. Việc cụ tham gia tích cực, hiệu quả vào việc gìn giữ ATGT đã mang đến những món quà quý báu, vô giá cho những người dân địa phương. Thay mặt Nhân dân xã Kim Chung, tôi xin bày tỏ sự cảm phục và biết ơn sâu sắc tới cụ Phạm Đình Chính.
Chủ tịch UBND xã Kim Chung Nguyễn Hữu Cương
|