Thế nhưng, điều khiến Ban tổ chức giải cảm thấy không vui là dù cuộc đua đến chức vô địch rất kịch tính nhưng không thể thu hút được số đông khán giả. Buồn thiu những khán đài Vòng đấu vừa qua, V.League chỉ thu hút được hơn 24.000 cổ động viên đến sân. Tính trung bình, mỗi sân chỉ có… hơn 3.000 khán giả! Đây là con số thấp kỷ lục bởi hồi đầu mùa giải, mỗi trận đấu thu hút được trên 10.000 khán giả. Bất chấp việc V.League đang đến hồi quyết định, cuộc đua đến ngôi vị cao nhất đang vô cùng kịch tính nhưng cổ động viên vẫn không cảm thấy hứng thú.
Những khán đài buồn thiu khiến nhà tổ chức chịu nhiều áp lực. Nhà tài trợ đương nhiên là không vui và chưa sẵn sàng cho việc gia tăng giá trị hợp đồng. Các đội bóng thì mất đi khoản thu quan trọng từ bán vé. Mùa giải trước, có những đội bóng thu được hàng trăm triệu đồng tiền vé mỗi trận đấu. Trong bối cảnh hiện tại, đấy là khoản thu vô cùng ý nghĩa và có thể giúp các đội bóng trang trải một phần kinh phí hoạt động. Thế nhưng, sự việc chưa dừng lại ở đó, VFF bị vạ lây vì giải đấu kém khán giả. Một số chuyên gia đã đổ vấy cho tổ chức này buông lỏng quản lý, không có cách thu hút khán giả khiến sân chơi quốc nội ngày càng mất giá và khủng hoảng. Thực ra thì không phải bây giờ V.League mới vắng khán giả ở giai đoạn cuối mùa sau khi có giai đoạn đầu thăng hoa. Sau Euro 2016, dư luận có xu hướng bão hòa với bóng đá. Người hâm mộ dành thời gian xem bóng đá đỉnh cao thay vì quan tâm đến sân chơi quốc nội. Chưa hết, giải đấu còn bị gián đoạn cho các các hoạt động của Đội tuyển quốc gia và diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến người hâm mộ ngại đến sân hơn và các khán đài vì thế mà thưa vắng. Mất những thương hiệu mạnh Mùa trước, mỗi trận đấu của HAGL thực sự là ngày hội. Đội bóng này thu được gần 10 tỷ đồng tiền vé cả mùa. Mỗi chuyến HAGL đi thi đấu sân khách là một lần đối thủ được bội thu. Cá biệt có sân thu hút được 50.000 khán giả như Cần Thơ và đương nhiên, họ kiếm được hàng trăm triệu đồng tiền vé. Người hâm mộ đến sân để xem Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thi đấu hơn là cổ vũ cho đội nhà. Nhưng mùa giải này thì khác, các ngôi sao xuất sắc của HAGL đã ra nước ngoài thi đấu nên sân nhà của đội bóng này cũng vắng khán giả chứ nói gì đến sân khách. Bên cạnh đó, những đội bóng vốn trước nay có nhiều khán giả như SLNA, FLC Thanh Hóa, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng cũng không có được phong độ ổn định. Chảo lửa thành Vinh giờ có trận chỉ thu hút được vài ngàn khán giả và đó là con số đáng buồn. Hải Phòng đầu mùa từng thu hút được 30.000 khán giả đến sân một trận đấu thì nay trận nhiều được 5.000 - 7.000 khán giả. Sân Thanh Hóa vốn không to thì nay cũng chẳng kín chỗ khiến lượng khán giả trung bình của cả vòng đấu vì thế mà lao dốc. Mà ai cũng biết, đây chính là những đội bóng có lượng cổ động viên đông nhất. Thậm chí, những trận đấu trên sân khách của họ thì lượng cổ động viên cũng đông hơn của đội chủ nhà. Ở Việt Nam, lượng khán giả đến sân phụ thuộc nhiều vào những đội bóng có thương hiệu và truyền thống. Thế nhưng, thành tích không ổn định khiến những thương hiệu mạnh mất giá. Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến sân chơi quốc nội không còn hưng phấn như hồi đầu mùa, hoặc như một năm trước đây. Vấn đề này không thuộc về Ban tổ chức giải bởi những gì họ đã làm thì đã làm rồi và giờ chỉ có thể mong đợi vào sự hưng phấn ngắn hạn của người hâm mộ dành cho cuộc đua vô địch khi có nhiều đội bóng cùng nuôi tham vọng lớn.
Cảnh trống vắng trên khán đài sân Vinh trong trận SLNA thắng FLC Thanh Hóa 1 - 0 chiều 13/8. Ảnh: Hồ Văn |