Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao chậm hình thành 5 đô thị vệ tinh Hà Nội?

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kỳ vọng, các đô thị vệ tinh khi hình thành sẽ kéo theo việc các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp di dời, giảm tải được dân số trong nội đô.

Tuy nhiên trên thực tế 10 năm qua, các đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn chưa thể thực hiện được “sứ mệnh” của mình, trong khi đó khu vực nội đô đang lâm vào cảnh quá tải và ô nhiễm không khí nặng nề.
Điểm nhấn trong mục tiêu phát triển
Theo Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng…
 Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Theo phân tích của các chuyên gia, với định hướng quy hoạch này, Hà Nội cần bám sát triển khai vì đây là cách làm khôn ngoan, nhằm thu hút người dân từ nội thành ra ngoại thành. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam nhìn nhận, đây là điểm khác biệt giữa đô thị vệ tinh của Hà Nội với đô thị vệ tinh của các nước phát triển đã xây dựng.
Khi triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi giảm áp lực về dân số, về hạ tầng kỹ thuật cho đô thị trung tâm và nhất là đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư và vai trò thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Cả 5 đô thị vệ tinh khi được xây dựng đồng bộ có khả năng dung nạp 1,4 triệu dân, chiếm 15% dân số của Thủ đô vào năm 2030.
Các đô thị này với diện tích đất đai gần bằng với diện tích của đô thị trung tâm, đây là thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh khởi nghiệp, chuyển đổi cơ cấu đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, đây còn là điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, đại học, bệnh viện trong nội đô. Bên cạnh đó, phát triển đô thị vệ tinh còn tác động đến phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và tạo thuận lợi trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
PGS. TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng các đô thị vệ tinh và cơ cấu hạ tầng khung để kết nối với TP trung tâm cũng là những bài học để chúng ta xem xét tham khảo đối với Hà Nội. Đó là sự kết nối giữa đô thị vệ tinh với TP trung tâm thông qua một hệ thống giao thông hoàn chỉnh như đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị. Đây là những tuyến đường trục giao thông quan trọng và nếu thiếu nó thì sự kết nối không thành công.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với chiều dài khoảng gần 100km như trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km; trục Hà Đông - Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20km; trục Ngọc Hồi - Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25km. Định hướng giao thông này sẽ giúp các đô thị vệ tinh trở thành hiện thực, khi đó Hà Nội sẽ hạn chế đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cũng như áp lực đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị nội đô trung tâm...
Những khó khăn
Thực tế thời gian qua, việc triển khai đô thị vệ tinh gặp nhiều khó khăn, chậm so với quy định, ảnh hưởng đến việc giảm sức ép quá tải của khu vực nội đô như mục tiêu đề ra. Ngoại trừ đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã có những khởi động xây dựng khu công nghệ cao, triển khai xây dựng khu đại học quốc gia, nhưng đến nay nhưng các tòa nhà cũng mới chỉ lấp đầy khoảng 20% diện tích quy hoạch.
 

Theo Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh, trong 5 đô thị vệ tinh thì hiện nay mới chỉ có đô thị Hòa Lạc đã thực hiện xong công tác lập quy hoạch và được Bộ Xây dựng chấp thuận là đủ điều kiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây.
Hai đô thị Sơn Tây và Sóc Sơn hiện được giao cho một số tập đoàn nghiên cứu ý tưởng. Sau khi hoàn thành sẽ giao lại cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập dự án. Trong quý I/2020 đơn vị tư vấn sẽ báo cáo về đô thị Sóc Sơn. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai với 6 đồ án phân khu đang xây dựng đồ án để phê duyệt.
Nguyên nhân của việc chậm trễ này được lãnh đạo Sở QH -KT lý giải là do năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở dữ liệu đầu vào cho công tác quy hoạch của một số địa phương còn thiếu, quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng nhiều đơn vị không thực hiện được do hướng dẫn về lấy ý kiến chưa được cụ thể…
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, một nguyên nhân nữa khiến các đô thị vệ tinh “án binh bất động” là việc triển khai quy hoạch chung thành các quy hoạch chi tiết của Hà Nội còn lúng túng, vì vậy không thu hút được đầu tư. Điển hình như đô thị vệ tinh Xuân Mai, được định hướng phát triển thành đô thị dịch vụ - công nghiệp, hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề của địa phương. Đây còn là cửa ngõ giao thông phía Tây Hà Nội giao thương với các tỉnh phía Tây Bắc, là đô thị đại học với trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng và là đô thị sinh thái.
Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật ở đô thị vệ tinh Xuân Mai, đặc biệt là hệ thống giao thông còn hạn chế. Hiện nay, QL6 đoạn từ Xuân Mai - Hà Đông, chưa được triển khai đồng bộ nên gây khó khăn trong tiếp cận nội đô. Các dự án đường cao tốc Xuân Mai - Hà Đông, dự án đường sắt trên cao triển khai rất chậm nên chưa thu hút được các nhà đầu tư…
Để tạo động lực cho đô thị vệ tinh phát triển, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, nên có một cơ quan chỉ đạo đặc thù ở các đô thị vệ tinh đã được xác định ranh giới để thực hiện đồng bộ quy hoạch ngay từ bước đi đầu tiên, không nên để đô thị vệ tinh trực thuộc các huyện. Cần công bố rộng rãi các đô thị vệ tinh để tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa đô thị vệ tinh với các khu vực dân cư xung quanh. Bên cạnh đó, phải thu hút nguồn lực xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị vệ tinh.

"Việc chậm triển khai tại những nơi được quy hoạch là đô thị vệ tinh của Hà Nội, tình trạng không được phép xây dựng các công trình, nhà cửa; không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng; không được thế chấp tài sản để vay vốn làm ăn… đang làm cho đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, trước mắt TP cần áp dụng những biện pháp linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho người dân đang sinh sống trong vùng chịu tác động trực tiếp từ việc chậm triển khai xây dựng theo quy hoạch đô thị vệ tinh của Thủ đô." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm