Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh bạch hầu?

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được tiêm đầy đủ 3 mũi Quinvaxem (trong đó có vaccine phòng bạch hầu) nhưng kết quả xét nghiệm cháu V. vẫn dương tính với bạch hầu. Sau 1 ngày điều trị tích cực cháu V. đã tử vong vào hôm nay (5/7).

Ngoài bệnh nhi V. (sinh năm 2016, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã tử vong, tỉnh Gia Lai ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Những người này bao gồm bố mẹ, họ hàng, người quen của cháu V.
Về việc bệnh nhân V. đã được tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm bệnh bạch hầu, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải cho biết, Sở đang chỉ đạo ngành chức năng điều tra xác định nguyên nhân, có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.
 Nhân viên y tế hướng dẫn trẻ em uống thuốc phòng bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa
Lý giải về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, ở ca bệnh này có thể xảy ra 2 trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, có thể là do bệnh nhi không đáp ứng miễn dịch. Bởi không phải tất cả 100% người tiêm có hệ miễn dịch như nhau. Thực tế, có những người tiêm trong trường hợp dùng thuốc miễn dịch hoặc cơ địa không đáp ứng miễn dịch thì những người đó không đáp ứng miễn dịch.
Trường hợp thứ hai, có thể do khâu bảo quản thuốc không đủ lạnh. Ví dụ như ở vùng sâu vùng xa bảo quản thuốc không tốt… thì ở trường hợp này, địa phương phải xem xét cụ thể, điều tra nguyên nhân làm rõ sự việc.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay vaccine phòng bạch hầu có hiệu lực trên 70 - 80% nhưng với điều kiện, người dân phải tiêm đủ liều.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, bệnh bạch hầu dễ lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết của người bệnh khi ho, hắt hơi (các giọt bắn rơi ra tay chân, quần áo)... dù là người lớn hay trẻ em.
Bạch hầu có yếu tố người lành mang trùng. Nhiều người cấy vi khuẩn bạch hầu dương tính mang trùng nhưng không bị bệnh. Đây cũng là nguồn bệnh.
Hiện nay, ở Gia Lai đã xảy ra dịch bạch hầu. Vì vậy, người dân không nên chủ quan. Đặc biệt là các bà mẹ không thể cho rằng con mình bị viêm họng. Mà phải đưa con đi khám ngay.
Vì vậy, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý người dân cần phải đề phòng. Hiện nay, nước ta đang trong mùa dịch và tại Gia Lai đã xảy ra dịch bạch hầu. Vì vậy, người dân không nên chủ quan.
Tất cả những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, đặc biệt là viêm họng (nhiều bà mẹ nhầm tưởng con mình bị viêm amidan, viêm họng, tự ý mua thuốc cho con về uống rất nguy hiểm), người nhà nên đưa bệnh nhân đến khám ngay tại các cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị, loại trừ xem trường hợp đó có bị bạch hầu hay không. Tất nhiên, với trường hợp bạch hầu, giả mạc có màu xám hoặc trắng, khó bong. Còn viêm họng, giả mạc dễ bong.
“Vấn đề quan trọng, người dân phải uống kháng sinh để phòng bệnh. Cùng với đó, người dân phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Nhất là những người dân trong ổ dịch phải đeo khẩu trang, đặc biệt là vệ sinh (tay chân, quần áo, nhà cửa) bằng các hóa chất”, chuyên gia khuyến cáo.
Đặc biệt, theo PGS.TS Phu, người dân phải tiêm vaccine phòng bệnh. Đây là biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu bền vững nhất. Những trẻ em trong độ tuổi nào có chỉ định vaccine đó. Ví dụ như trẻ em dưới 1 tuổi có thể tiêm vaccine 5 trong 1, 6 trong 1. Trẻ em dưới 4 tuổi, có thể tiêm DPT. Trẻ em 7 tuổi, có thể tiêm Td theo chỉ định của cơ quan y tế.
Cũng theo các chuyên gia, nếu người bệnh không được điều trị, bạch hầu có thể dẫn đến các nguy cơ sau: Giả mạc sưng, gây thắt đường thở, ngừng tim. Nặng nề nhất, bạch hầu gây ra nhiễm trùng, nhiễm độc, đặc biệt là nhiễm độc cơ tim rất nguy hiểm, gây cho trẻ em xanh tái, suy các chức năng phù tạng… Vì vậy, việc đến khám sớm, chẩn đoán sớm, phát hiện và điều trị sớm rất quan trọng. Bởi lúc này, trong cơ thể người bệnh chưa đến giai đoạn nhiễm trùng, nhiễm độc nên việc điều trị dễ dàng hơn.