Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao dịch sốt xuất huyết tăng cao bất thường?

Nhật Nguyên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết (SXH), dịch bệnh này tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm xung quanh vấn đề này.

Ông có thế cho biết tình hình dịch bệnh SXH tại Hà Nội tính đến thời điểm hiện nay?

- Từ đầu năm đến nay, trên toàn TP đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc SXH, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 1 bệnh nhân tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Các quận, huyện có số bệnh nhân mắc cao là Đống Đa (372 ca), Hoàng Mai (253 ca), Thanh Xuân (84 ca), Hà Đông (77 ca) Hai Bà Trưng (11 ca). Bệnh nhân ghi nhận rải rác trong các tháng, nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều.

Vì sao SXH lại gia tăng bất thường như vậy?

- Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có cảnh báo, theo diễn biến thời tiết El Nino, nắng nóng lắm sẽ mưa nhiều, dễ phát sinh dịch SXH. Chúng tôi không bất ngờ khi SXH tăng mà có kế hoạch ngay từ đầu năm đã tích cực chủ động ngay từ đầu. Thời tiết thay đổi bất thường, nắng nóng sau đó lại mưa ẩm ngay là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Chỉ số côn trùng có tăng cao bắt đầu từ tháng 3, có nhiều điểm vượt ngưỡng nguy cơ như An Khánh, Phú Lương, La Phù, Dương Nội, Hoàng Liệt, Trương Định, Láng Thượng... và tăng cao nhất tháng 5 vừa qua.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng.

Ông có thể cho biết những khó khăn trong công tác phòng chống SXH hiện nay?

- Đối với ngành y tế, ngay từ đầu năm đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH như tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, chủ động phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy. Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm thu đúng và điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến.

Tuy nhiên, tình hình dịch SXH hiện nay diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. Việc triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn gặp không ít khó khăn, rào cản. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển, còn có nhiều yếu tố chủ quan. Đó là chính quyền địa phương nhiều nơi còn lơ là, chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch; ý thức người dân chưa cao, thậm chí chủ quan. Cụ thể, khi cán bộ y tế thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, một số nhà dân không hợp tác mở cửa cho phun, hay có những hành động, lời nói cản trở cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch. Tại nhiều nhà dân, tình trạng chung là lọ hoa, bể cá, chai lọ chứa nước lâu ngày, vứt chỏng chơ không được dọn, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển.

Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trước tình hình dịch đang rất phức tạp, có thể bùng phát mạnh trên diện rộng hiện nay?

- Phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Bên cạnh đó, cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Vì đến nay, SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Khi xuất hiện triệu chứng như sốt cao kéo dài, khó hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ kèm theo đau họng, buồn nôn và tiêu chảy… cần được đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch, điều trị tại nhà, không đúng phác đồ có thể dẫn đến tử vong.

Xin cảm ơn ông!