Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao không cho kiểm toán vào làm việc?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm tốt nhiệm vụ, phía Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và dịch vụ Quốc tế đã có đề xuất được tái kiểm toán báo cáo tài chính của liên doanh từ năm 2006 - 2012. Tuy nhiên, phía Công ty liên doanh chây ì, viện dẫn nhiều lý do để không cho kiểm toán vào làm việc.

Ngày 26/9/2012, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4271/QĐ - UBND giao đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty May liên doanh Plummy (Công ty liên doanh) cho Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Công ty Quốc tế). Sau khi nhận bàn giao, phía Công ty Quốc tế đã phát hiện nhiều vấn đề nghi vấn cần làm rõ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty liên doanh những năm qua.

 

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Công ty Quốc tế đại diện vốn quản lý Nhà nước tại Công ty liên doanh là 188.245,97USD, tương ứng 22,6% vốn pháp định, bằng giá trị quyền sử dụng đất tại xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai. Để làm tốt nhiệm vụ, phía Công ty Quốc tế đã có đề xuất được tái kiểm toán báo cáo tài chính của liên doanh từ năm 2006 - 2012. Tuy nhiên, phía Công ty liên doanh chây ì, viện dẫn nhiều lý do để không cho kiểm toán vào làm việc.

 

Ngày 8/5/2013, Chi cục tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính Hà Nội) đã có Công văn số 46/TCDN-P4. Nội dung công văn cho biết, ngày 3/5/2013, Công ty Quốc tế có công văn đề nghị tái kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty liên doanh. Theo đó, Công ty Quốc tế đã nhiều lần đề nghị Công ty liên doanh cung cấp báo cáo tài chính các năm gần đây, nhưng hiện mới chỉ cung cấp được báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2012 không có chữ ký và con dấu... Chi cục tài chính doanh nghiệp có ý kiến, để giúp cho doanh nghiệp được giao đại diện quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty liên doanh thực hiện đúng trách nhiệm, đề nghị Công ty cung cấp cho Công ty Quốc tế báo cáo tài chính đã kiểm toán của 3 năm gần đây và các biên bản kiểm tra, thanh tra thuế hàng năm (nếu có). Cơ quan kiểm toán hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả cũng như nội dung đã kết luận tại báo cáo tài chính của Công ty liên doanh. Về phía Công ty Quốc tế nếu thấy có đủ căn cứ việc phát hiện những dấu hiệu chuyển giá từ Công ty liên doanh cho công ty mẹ thì có thể đề xuất mời cơ quan thanh tra để kiểm tra. Tiếp đó, ngày 24/7/2013, Sở Tài chính Hà Nội có công văn đề nghị Công ty liên doanh phối hợp với Công ty Quốc tế xem xét thuê một đơn vị kiểm toán thực hiện kiểm toán một số nội dung như đã nêu ở trên.

 

Ông Lê Vĩnh Phúc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quốc tế cho biết, khi tiếp nhận phần nghĩa vụ và trách nhiệm là đại diện quản lý phần vốn bên Việt Nam thì việc thực hiện tái kiểm toán là một công việc bình thường. Công ty Quốc tế có quyền lựa chọn, chỉ định một công ty kiểm toán được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam. Ngày 6/8/2013, hai công ty này đã có buổi làm việc ba bên để giới thiệu Công ty TNHH kiểm toán độc lập quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 12/8/2013, khi Công ty kiểm toán cử đoàn cán bộ đến làm việc thì Công ty liên doanh đã không tiếp đoàn và không cho kiểm toán vào làm việc. Đây là hành động vi phạm cam kết đã được thống nhất ba bên trong cuộc họp ngày 6/8/2013.

 

Cực chẳng đã, ngày 22/8/2013, Công ty Quốc tế đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội và các sở, ngành chức năng, có ý kiến: Việc công ty nước ngoài không đồng ý sử dụng kiểm toán do Công ty Quốc tế chỉ định là không có cơ sở. Công ty Quốc tế khẳng định được phân công tiếp nhận quản lý phần vốn góp của Nhà nước trong liên doanh thì công ty có quyền và trách nhiệm kiểm tra toàn bộ tình hình hoạt động của liên doanh, đặc biệt là tình hình tài chính doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng mọi hoạt động tài chính và kết quả kinh doanh ở đây có những điều không minh bạch mà đối tác nước ngoài trong liên doanh không đồng thuận với một việc làm đúng đắn, hợp pháp  của đại diện Việt Nam? Việc Công ty liên doanh không đồng ý với Công ty Kiểm toán Việt Nam đã thể hiện thái độ không thiện chí và sự bất hợp tác!

 

Với những nghi vấn nêu trên, Công ty Quốc tế đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ngành liên quan sớm kiểm tra làm minh bạch tình hình hoạt động sản xuất trong liên doanh và giúp hoạt động của liên doanh có hiệu quả, thực sự mang lại lợi ích cho các bên trong liên doanh. Có như vậy, chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp của TP mới đạt hiệu quả.