Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao người đi bộ bị "đẩy" xuống lòng đường?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu hỏi đã cũ và ai cũng có thể trả lời rành mạch được. Nhưng vấn đề thì vẫn luôn "nóng", bởi Hà Nội đang tiệm cận tới ngày Đại lễ 1000 năm. Mong rằng, tới đây, vỉa hè sẽ được trả lại cho người đi bộ.

KTĐT - Câu hỏi đã cũ và ai cũng có thể trả lời rành mạch được. Nhưng vấn đề thì vẫn luôn "nóng", bởi Hà Nội đang tiệm cận tới ngày Đại lễ 1000 năm. Mong rằng, tới đây, vỉa hè sẽ được trả lại cho người đi bộ.


Lấn chiếm vỉa hè tràn lan


Cái luật bất thành văn: Vỉa hè trước mặt là "lãnh địa" của mỗi gia đình có nhà mặt tiền. Thế nên, cái gọi là "của chung" ấy rất dễ bị thể chiếm dụng. Khi vỉa hè bị chiếm dụng thì khách bộ hành chỉ còn cách bước xuống lòng đường để đi và vô tình lấn chiếm đường của các phương tiện tham gia giao thông. Đã có không ít trường hợp khách bộ hành bị va quệt, mà nguyên nhân là do họ đi dưới lòng đường, không thể đi trên vỉa hè.


Tình trạng vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đã và đang diễn ra ở rất nhiều tuyến phố của Hà Nội. Chỉ cần dạo một vòng qua vài tuyến phố, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều xe ô tô "ngồi" chễm trệ trên vỉa hè. Cũng vì thế, khách bộ hành đành phải xuống lòng đường mà đi, vì ô tô đã chiếm hết lối dành cho họ.


Có những vị trí như ven chợ Hôm, ngã tư Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền, phố Hàm Long... do vỉa hè bị chiếm hết, người đi bộ đành xuống lòng đường. Hay các điểm quanh khu vực Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, phố Yết Kiêu, Trần Bình Trọng… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thậm chí, tại khu Hàng Ngang, người ta chặn hẳn một khúc lòng đường để làm… bãi trông giữ xe.


Một người cho biết: Thỉnh thoảng cũng thấy có lực lượng CSGT của CATP Hà Nội và Thanh tra giao thông đến kiểm tra giấy tờ các chủ xe, tháo biển kiểm soát các xe đỗ trái phép trên vỉa hè. Song có điều, khi các lực lượng chức năng rút đi thì vỉa hè, lòng đường lại trở về như cũ. Các xe bị tháo biển đã được lắp biển lại, trên vỉa hè xe ô tô vẫn vô tư đỗ như cố tình thách thức tất cả.


Những hình ảnh này, vừa làm mất mỹ quan đô thị, làm "nhức mắt" khách bộ hành, khách du lịch. Không những thế, nó có thể "đẩy" người đi bộ lâm vào cảnh tai nạn giao thông bất thường.


Đến bao giờ vỉa hè thực sự dành cho người đi bộ?


Theo Thanh tra Sở Giao thông Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các tổ liên ngành của Hà Nội đã xử phạt hơn 9.600 trường hợp ô tô dừng đỗ sai quy định. Riêng trong tháng 6 xử phạt hơn 2.000 trường hợp với tổng số tiền là 612.580.000 đồng.


Tuy nhiên, các trường hợp đỗ sai quy định đều bị xử phạt theo Nghị định 146 và NĐ 34, mức cao nhất là 800.000đồng/xe vi phạm. Riêng các trường hợp bị cẩu kéo về bãi tập kết sẽ phải trả thêm phụ phí phát sinh bến bãi. Nhiều trường hợp vi phạm rất khó khăn trong việc xử lý, vì chính quyền phường sở tại đứng ra bảo lãnh. Cấp phường được giao quản lý, sắp xếp các điểm trông giữ xe nhưng nhiều phường lại buông lỏng quản lý, khoán trắng cho tư nhân, chỉ thu lợi nhuận. Thanh tra Giao thông được phân quyền xử lý những nơi trông giữ không phép, còn với những nơi trông xe có phép thì dù có đúng hay sai thì cũng không xử lý được.


Để vỉa hè thực sự dành cho người đi bộ thì cần thực thi rất nhiều biện pháp, như hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đầu tư cho cơ sở hạ tầng... Nhưng hiện nay, Hà Nội mới có 2 loại hình xe buýt và taxi. Rồi, trong khi hạ tầng cơ sở giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thì sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân vẫn tiếp tục "nóng". Hơn nữa, ngay cả sự phân cấp còn có những bất cập thì câu chuyện lấn chiếm vỉa hè vẫn còn... là bài toán nan giải. Như vậy, hy vọng đến ngày vỉa hè thực sự dành cho người đi bộ còn... khá xa.