Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Trung Quốc can thiệp vào 4 “đại gia” ngân hàng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đây là lần đầu tiên Huijin can thiệp vào các ngân hàng thương mại kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ 3 năm trước.

Chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cổ phần nắm giữ trong các ngân hàng thương mại lớn nhất nước này, tờ Financial Times đưa tin. Đây được xem là một động thái nhằm hỗ trợ cho giá các cổ phiếu tài chính đã sụt giảm mạnh ở nước này thời gian qua và khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư.

Financial Times dẫn nguồn tin Tân Hoa xã cho biết, Công ty Central Huijin, bộ phận trong nước thuộc quỹ lợi ích quốc gia của Trung Quốc, sẽ mua vào cổ phiếu của 4 nhà băng lớn nhất nước này là Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China, Ngân hàng  Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên Huijin can thiệp vào các ngân hàng thương mại kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ 3 năm trước. Động thái này, theo Tân hoa xã, nhằm “hỗ trợ hoạt động lành mạnh và sự phát triển của các định chế tài chính quốc doanh then chốt, đồng thời bình ổn giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại quốc doanh”.

Trong mấy tháng gần đây, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng của Trung Quốc đã giảm 30% do những lo ngại cho rằng, sự hạ nhiệt của thị trường bất địa ốc sẽ gây ra nhiều vụ phá sản trong ngành kinh doanh nhà đất. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10, giá cổ phiếu nhóm này rớt xuống mức thấp nhất trong 30 tháng.

Giới đầu tư quốc tế đang rút vốn nhiều khỏi thị trường Trung Quốc, khiến cổ phiếu các ngân hàng giảm mạnh. Các nhà đầu tư lo ngại, mức nợ xấu cao ở nước này sẽ gia tăng sau thời kỳ cấp vốn tín dụng ồ ạt bắt đầu từ năm 2008. Tại thị trường Hồng Kông, bán khống cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đã trở thành một chiến thuật phổ biến đối với các nhà đầu tư tin là nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới sẽ sớm giảm tốc.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Reuters, sau khi quyết định can thiệp của Bắc Kinh được công bố, giá cổ phiếu của 4 ngân hàng có cổ phiếu được Huijin mua vào đã tăng mạnh, nâng tổng giá trị vốn hóa của các nhà băng này thêm 46 tỷ USD. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, sự tăng giá này chỉ là tạm thời khi các nhà đầu tư bán khống mua vào cổ phiếu đã mượn để bán ra trước đó.

Theo ông Sanjay Jain, một chuyên gia phân tích về ngành ngân hàng Trung Quốc thuộc Credit Suisse, với việc tăng cổ phần nắm giữ trong 4 ngân hàng lớn nhất, quỹ đầu tư lợi ích quốc gia của Trung Quốc “đang cố gắng phát đi tín hiệu rằng họ cảm thấy tin tưởng. Và đường nhiên với mức giá cổ phiếu rẻ như hiện nay, sẽ là không tồi đều mua vào các cổ phiếu này cho mục đích nắm giữ chiến lược dài hạn”.

Mặc dù tới thời điểm này, kinh tế Trung Quốc đã chống chọi khá tốt với những bất ổn kinh tế toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ của khu vực châu Âu và nỗi lo suy thoái kép ở Mỹ đã trở thành những đám mây che phủ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Financial Times cho biết, trong bối cảnh lạm phát ở Trung Quốc mức cao nhất trong 3 năm và mức nợ công ngày càng phình to do chi tiêu mạnh tay, các chuyên gia kinh tế tỏ ý nghi ngờ Bắc Kinh có thẻ tung ra một chương trình kích cầu khổng lồ nữa như thời khủng hoảng tài chính 2008.

Còn theo bình luận của Reuters, động thái mua cổ phiếu ngân hàng của nhà chức trách Trung Quốc lần này có thể mở màn cho một loạt động thái nới lỏng chính sách tiếp theo, mà cao điểm sẽ là tăng lãi suất. Tuy nhiên, đây được dự báo sẽ là một tiến trình diễn ra với tốc độ chậm và thận trọng, vì lạm phát ở Trung Quốc hiện đang cao, giá nhà đất vẫn chưa giảm nhiều.

Từ tháng 10/2008 tới nay, Trung Quốc tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ, với 5 lần tăng lãi suất và 12 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng sau thời kỳ kích thích tăng trưởng mạnh mẽ. Đến nay, đã có những tín hiệu cho thấy, các điều kiện tín dụng đã trở nên thắt chặt quá mức, đặc biệt là đối với các công ty nhỏ, khi mà các doanh nghiệp này rất khó vay vốn từ các ngân hàng quốc doanh.

Thông qua quỹ đầu tư Huijin, Chính phủ Trung Quốc đã đóng vai trò cổ đông chính trong hầu hết các ngân hàng quan trọng của Trung Quốc. Tân hoa xã không công bố chi tiết cụ thể về số lượng cổ phiếu mà quỹ này dự kiến mua vào. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters từ hai ngân hàng có cổ phiếu được mua, Huijin ban đầu mới chỉ mua vào một lượng cổ phiếu tương đối nhỏ.