Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc dẫn độ tội phạm trốn ở nước ngoài về Việt Nam: Khó nhưng không phải không làm được

Nguyên Bảo – Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi thực hiện dẫn độ tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài về Việt Nam.

Bởi, trên thực tế, các đối tượng khi bị truy nã (Trịnh Xuân Thanh hay Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm”) thường trốn sang các nước chưa có ký kết hợp tác với Việt Nam về việc dẫn độ tội phạm. Vậy, làm thế nào để có thể dẫn độ tội phạm về nước trong những trường hợp này sẽ được chuyên gia pháp lý phân tích qua bài viết dưới đây.
Trước hết, cần phải hiểu dẫn độ tội phạm là một hoạt động phổ biến trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm của các quốc gia trên thế giới. Trong luật quốc tế, dẫn độ được hiểu là việc một quốc gia chuyển, trao người phạm tội hoặc người bị kết án (quốc gia nơi những người đó có mặt) cho một quốc gia khác (thường là quốc gia nơi tội phạm gây ra hoặc là quốc gia đã kết án người đó) để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực.

Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm” - ảnh nhỏ) và nơi cư trú 82 Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Sơn

Liên quan đến thông tin đối tượng Vũ “nhôm” bị bắt tại Singapore, Luật sư – TS Nguyễn Thanh Bình (nguyên Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp) cho biết, hiện nay Việt Nam và Singapore chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm. Do vậy, khi bắt giữ Vũ "nhôm" trên lãnh thổ Singapore, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định của pháp luật nước đó. Trong trường hợp Vũ "nhôm" xin tỵ nạn, nếu đáp ứng đủ điều kiện do pháp luật nước này quy định và phù hợp với pháp luật quốc tế thì Vũ "nhôm" có thể được xem xét và chấp nhận.

Còn nếu trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Singapore, đã có trường hợp Việt Nam trao trả, dẫn độ tội phạm tương tự như trên theo yêu cầu của Singapore thì Việt Nam vẫn có thể đàm phán, yêu cầu nước này dẫn độ Vũ "nhôm" cho phía Việt Nam theo nguyên tắc “có đi, có lại”. Tuy nhiên, vì chưa có hiệp định tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm giữa 2 nước nên việc yêu cầu trao trả bị can Vũ "nhôm" cho Việt Nam là khó thực hiện, trừ trường hợp luật pháp quốc tế có quy định khác.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết thêm, việc dẫn độ Vũ "nhôm" sẽ gặp khó khăn tương tự như vụ dẫn độ bị can Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, từ trước đến nay Việt Nam và Singapore là hai nước có quan hệ ngoại giao rất tốt đẹp. Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore còn là thành viên của ASEAN và đã có những quy định về hợp tác phòng chống tội phạm giữa các thành viên với nhau trong khối ASEAN.

Trước đó, khi trả lời báo chí về khó khăn trong việc dẫn độ Trịnh Xuân Thanh, Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết, để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký Hiệp định tương trợ tư pháp với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa ký kết thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia. Quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, để dẫn độ tội phạm từ một quốc gia không tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc xử lý không đơn giản. Quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài. Tuy nhiên, trong trường hợp đó sẽ có thể vận dụng quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên cơ sở thương lượng cụ thể. Bởi, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương, có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc “có đi, có lại” giữa hai quốc gia. “Nước bạn đề nghị nước ta dẫn độ một tội phạm nào đó đang trốn ở Việt Nam, chúng ta giúp họ thì nay chúng ta đề nghị nước bạn sẽ giúp lại” - Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết.