Mới Tết ra, phòng giao dịch của Ngân hàng Vietcombank trên đường Láng Hạ phải phát số thứ tự hẹn khách hàng quay lại giao dịch vì quá tải. Ghi nhận tại một số quầy giao dịch của VP Bank, Agribank, BIDV lượng khách đến giao dịch cũng tăng mạnh.
|
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Ngoài ra, để thu hút khách hàng gửi tiền, các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình hấp dẫn như tặng ngay voucher mua sắm, đồ vật sử dụng tương ứng với từng mức tiền gửi. Một số ngân hàng khác khi gửi tiền tiết kiệm sẽ nhận được mã số dự thưởng để có cơ hội trúng xe ô tô vào cuối chương trình.
Không chỉ khuyến mại, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để hút người gửi tiền. VietA bank công bố biểu lãi suất mới. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng gửi từ 100 triệu đồng trở xuống lãi suất là 7%/năm, từ 100 triệu đồng trở lên lãi suất là 7,1%/năm. Tương tự, kỳ hạn 9 tháng là 2 mức 7,1%/năm và 7,2%/năm và 18 tháng là 7,7%/năm và 7,8%/năm...; Eximbank tăng với mức lãi suất áp dụng kì hạn dài là 7,4%/năm kì hạn 15 tháng, 7,8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng và 8%/năm đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng. Kèm theo đó còn có ưu đãi người gửi tiền từ 50 tuổi trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,1%... VIB Bank "mạnh tay" với chương trình "Xuân Tài Lộc với Tiền gửi VIB" khi khách hàng mở mới sổ tiết kiệm có kỳ hạn một tháng trở lên, sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh lên tới 8,7%/năm. Chương trình khuyến mại “Lộc vàng – Xuân mới” và dành tặng khách hàng cá nhân đến gửi tiết kiệm tại SHB những món quà tặng hấp dẫn kéo dài đến 28/4/2018.
Theo các chuyên gia, các ngân hàng tung chiêu hút tiết kiệm trước và sau Tết vừa giải quyết thanh khoản vừa tăng vốn trung và dài hạn để cấp tín dụng cho nền kinh tế. Những tuần lễ trước Tết, thanh khoản hạn hẹp do nhu cầu rút tiền của người dân để chi tiêu và DN rút tiền để thanh toán, trả lương, thưởng Tết… “Để bù trừ cho thâm hụt đó, các NHTM phải huy động mới và cách nhanh chóng và dễ dàng là tăng lãi suất, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Rào cản giảm lãi suất cho vayTheo Báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN đã bơm ròng kỷ lục 66.000 tỷ đồng đáp ứng thanh khoản. Đây là một trong những tuần bơm ròng nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây, đồng thời ngừng phát hành tín phiếu.
Ngoài ra, trong năm 2018, áp lực tăng vốn của các ngân hàng tiếp tục sẽ cao hơn khi Thông tư 41/2016/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, thời điểm áp dụng chuẩn Basel II ngày càng tới gần. Nhận định chung của nhiều chuyên gia cho rằng, yêu cầu tăng vốn đang là nhu cầu bức thiết nhất hiện nay của hệ thống ngân hàng Việt Nam để mở rộng kinh doanh, tăng cường hệ số an toàn vốn (CAR) dần tiệm cận với chuẩn mực thông lệ quốc tế. Thực tế, từ nay tới năm 2020 các ngân hàng như Vietcombank, VPBank hay MBB đều buộc phải “ráo riết” tăng vốn vì nằm trong số 10 ngân hàng thí điểm chuẩn hoạt động mới Basel II. Ngoài ra trong Top 10 này còn có BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB, Sacombank, MaritimeBank và VIB.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, giảm lãi suất huy động hiện nay là sẽ khó khăn cho các tổ chức tín dụng bởi ngành ngân hàng đang phải bảo vệ thanh khoản cho hệ thống. Nếu lãi suất huy động không còn hấp dẫn sẽ vấp phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Vấn đề nợ xấu tuy đã có Nghị quyết 42 nhưng để giải quyết triệt để thì không phải ngày một ngày hai mà cần cả một quá trình. Trong khi mảng dịch vụ các ngân hàng tại Việt Nam hiện vẫn đang trong thời kỳ đầu chuyển sang ngân hàng bán lẻ, mảng này hiện chỉ chiếm khoảng 25% tổng dư nợ trên toàn hệ thống.
Cuối năm 2017, một số ngân hàng thông báo hạ lãi suất cho vay, khoảng 0,5 - 1%. Việc một số NHTM giảm lãi suất là một tín hiệu đáng mừng, song các chuyên giá đánh giá việc giảm lãi suất cho vay trong năm nay là vẫn hết sức khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó mấu chốt vẫn là chưa thể giảm lãi suất huy động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
“Chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng Việt Nam đang ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ từ 2,2 - 2,4%, so với Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8 - 3%. Trong khi đó, chi phí giao dịch kinh tế của Việt Nam rất cao”- TS Cấn Văn Lực đánh giá.