Việc làm cần thiết

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu, dịch bệnh này do một loại virus có nguồn gốc từ động vật lây sang.

Cùng với đó, những dịch bệnh đáng sợ khác từng xảy ra trên thế giới như Ebola, SARS… cũng xuất phát từ động vật sau đó chuyển sang người. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 70% dịch bệnh trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật. Vì vậy, một khuyến cáo được đưa ra bởi các chuyên gia y tế là cần kiểm soát chặt nguồn lây, hạn chế tiếp xúc gần với động vật để ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế đáng ngại hiện nay là việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, đặc biệt là trong các khu nội đô vẫn đang khá phổ biến. Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có gần 207.600 cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, khu vực các quận nội thành, 4 phường của thị xã Sơn Tây và 5 thị trấn ven đô (Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) có khoảng 3.354 nông hộ, gia trại gia súc, gia cầm. Các cơ quan chuyên môn đánh giá, việc chăn nuôi ở các thị trấn thuộc các huyện ven đô, các khu đô thị chủ yếu là số lượng ít, nên hiệu quả kinh tế không cao.
Ngoài ra, một hiểm họa có thể thấy ngay trước mắt của việc chăn nuôi trong khu dân cư đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hàng ngày một lượng lớn chất thải, nước thải từ chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường, có thể ảnh hưởng đến không khí, nguồn nước. Bởi trong chất thải của động vật có chứa nhiều chất như Nitrate, Phosphate, Kali, Đồng, Kẽm và Amoniac…
Khi thải ra ngoài môi trường, những chất này bị lưu giữ vào đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Đáng nói nữa là khi con người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi, về lâu dài có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm khác. Đó là chưa kể đến nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Để hạn chế những tác động do chăn nuôi trong khu dân cư gây ra và quy hoạch lại ngành chăn nuôi trên địa bàn TP, mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP. Theo đó, các cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc dừng chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi từ khi Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023.
Thông qua Nghị quyết trên, không chỉ góp phần kiểm soát môi trường mà còn giúp cho người chăn nuôi biết định hướng thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Chăn nuôi và Chiến lược chăn nuôi. Đó là từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi nội thành, nội thị; đưa từ vùng có mật độ chăn nuôi cao lên vùng có mật độ chăn nuôi thấp, có không gian lớn. Đây là cơ sở để hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Vì vậy có thể thấy, việc di chuyển khu vực chăn nuôi ra khỏi khu vực phường, thị trấn là hết sức cần thiết và cấp bách. Vấn đề là khi thực hiện quy định này sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều hộ gia đình ở khu vực nội thành, nội thị, nhiều lao động sẽ mất việc làm. Do đó, cùng với việc có chính sách giải quyết vấn đề này, các lực lượng chức năng, chính quyền quận, huyện, thị xã của TP cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc chuyển đổi đúng lộ trình, đúng quy định. Cùng với đó là cơ chế chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ đào tạo, giới thiệu và tạo việc làm cho người chăn nuôi sớm ổn định lại đời sống.