Nhu cầu tìm việc chính đáng
Sáng 15/8, tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội diễn ra phiên giao dịch lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT lần thứ 3 năm 2017 thu hút nhiều đối tượng NKT đến từ một số quận, huyện trên địa bàn. Trước khi đến các bàn DN ứng tuyển, NKT được bác sĩ khám sức khỏe, kiểm tra tình trạng khuyết tật để tư vấn công việc phù hợp.
Em Nguyễn Thị Huyền, 21 tuổi, đến từ huyện Phú Xuyên vừa được bác sĩ tư vấn xong, cho biết: “Em bị bệnh run hai tay, hàng ngày chỉ nấu cơm và làm việc nhà. Hôm nay đến sàn giao dịch Hà Nội, em muốn tìm công việc tin học văn phòng với mức lương 1 - 2 triệu đồng/tháng”. Tuy nhiên, Huyền cũng nhận thấy, xin việc không đơn giản, bởi em bị mắc bệnh về thanh quản, nói rất chậm và khó nghe. Em ứng tuyển vài nơi nhưng chưa được chấp nhận. Còn em Nguyễn Thị Hồng Ánh, 20 tuổi cũng đến từ huyện Phú Xuyên, tuy chiều cao chỉ khoảng 80 cm nhưng lại tự tin khi đi tìm việc. “Em đã tốt nghiệp THPT và muốn làm công việc đánh máy, tính toán, đồ họa với mức lương 3 – 4 triệu đồng/tháng” – Hồng Ánh cho hay.
Phiên giao dịch việc làm cho NKT ngày 15/8 có 10 đơn vị tham gia tuyển dụng 61 lao động và tuyển sinh học nghề 37 chỉ tiêu. NKT có nhiều cơ hội ứng tuyển vào vị trí Công nghệ thông tin, Hành chính văn phòng, Nha khoa, Thủ công mỹ nghệ (thêu, may cờ,...).
Bà Hoàng Thị Khương – Giám đốc Công ty TNHH Thêu tranh ảnh cao cấp ở huyện Thường Tín cho biết: Đợt này công ty có nhiều đơn hàng nên chúng tôi muốn tuyển thêm 20 lao động NKT, gồm 10 thợ kỹ thuật sửa ảnh và 10 nhân viên thêu áo thời trang. Vì NKT chỉ làm được ít thời gian trong ngày nên chúng tôi trả lương theo sản phẩm để động viên cũng như giúp họ nhận thấy rõ giá trị của bản thân.
Quan trọng là NKT vượt lên chính mình
Không chỉ với trách nhiệm xã hội, nhiều DN khi mới được thành lập đã đặt ra mục tiêu giúp những người yếu thế có công việc và thu nhập nuôi sống bản thân. Điển hình cho hướng đi này là Công ty CP Vfood Việt Nam chuyên về hoa quả nhập khẩu. Ông Hồ Xuân Hòa – Phó Giám đốc công ty cho biết: "Từ đầu năm 2016 chúng tôi luôn tuyển dụng lao động là NKT vào các vị trí đóng gói sản phẩm, thu ngân. Với những lao động nam bị khuyết tật chân, gù lưng nhưng vẫn có thể điều khiển được xe máy, chúng tôi bố trí đi giao hàng. Buổi sáng nay, công ty chúng tôi sơ tuyển được một vài lao động. Vài ngày sau, họ sẽ đến công ty trả lời phỏng vấn, nếu đáp ứng được yêu cầu sẽ được nhận vào làm việc."
Khi được hỏi về mức lương của NKT ông Hòa cho biết, được trả ngang bằng với nhân viên bình thường, tùy theo hiệu quả công việc. Tiền lương tối thiểu của NKT từ 4 triệu đồng/tháng trở lên, được công ty hỗ trợ chỗ ở và có người kèm cặp trong công việc. Qua nhiều lần tiếp xúc tuyển dụng NKT, Hòa cũng cho rằng, mặc cảm tự ti là rào cản lớn nhất mà họ cần phải vượt qua để tìm được việc. Trong khi ấy, Phó Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội Phan Thị Bích Diệp khẳng định: Việc đi lại của NKT cũng gây trở ngại lớn khi tìm việc. Anh, chị em bị khuyết tật trẻ tuổi, nếu có quyết tâm sẽ theo đuổi được công việc. Nhưng, cũng còn tùy thuộc vào dạng khuyết tật, vì thế có người đi làm một số buổi rồi bỏ. Thứ nữa, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của NKT. Nếu thấy NKT di chuyển và làm công việc khó khăn, nhưng gia đình không khuyến khích thì họ dễ dừng cuộc chơi.
Để tạo việc làm cho NKT đang trong độ tuổi lao động, hiện nay Hội NKT Hà Nội có hơn 10.000 hội viên, đang liên kết với nhiều đơn vị liên quan như Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội. Hội còn thực hiện các dự án, xây dựng mô hình đào tạo nghề đến bố trí công việc. Chẳng hạn, từ năm 2014 đến nay, Hội đang thực hiện dự án Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho NKT thông qua liên kết, hợp tác với Hội Phục hồi chức năng cho NKT (Hàn Quốc). Dự án này giúp NKT được tiếp cận và nâng cao trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin và từ đó tìm kiếm việc làm liên quan đến nội dung này.
Cho dù với sự hỗ trợ từ phía Hội NKT Hà Nội, các trung tâm dịch vụ việc làm thì yếu tố quyết định trong tìm việc vẫn là NKT phải vượt lên chính mình, biết năng lực và sở thích gì để có hướng đi đúng.