Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việc làm thừa!

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện cấp phép ca khúc lại tiếp tục nóng lên trong dư luận suốt tuần qua với đủ đầy nỗi bức xúc không chỉ của "người trong đạo" làm âm nhạc, mà của cả giới thưởng thức.

Bức xúc là phải khi mà Cục Nghệ thuật biểu diễn không thôi đưa ra những động thái ngớ ngẩn khiến công chúng dễ cho rằng đến thời điểm này "ông Cục" mới cấp phép cho các ca khúc đã mòn lối trên sân khấu, thậm chí cả ca khúc đã được định danh Quốc ca Việt Nam.

Dù cho lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã lên tiếng khẳng định không cấp phép, chỉ cập nhật danh mục ca khúc được biểu diễn. Nhưng sự lý giải về "việc làm thường xuyên" đối với hơn 300 ca khúc ấy không đủ khỏa lấp cho lỗ hổng về sự ngớ ngẩn và sự quẩn của "ông Cục". Vì chẳng cớ gì mà những “Tiến quân ca”, “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, “Chào em cô gái Lam Hồng”… lẫy lừng bao năm trên các sân khấu lớn, được mệnh danh “Những ca khúc sống mãi với thời gian”, “Những ca khúc đi cùng năm tháng”, thậm chí còn là đại diện cho những giai đoạn lịch sử của dân tộc, mà phải công bố lại “quyền” được biểu diễn! Việc làm này – dù được lý giải rằng cần thiết để phục vụ việc khai thác, sử dụng, song chẳng khác nào cái việc mà người đời hay mỉa mai: “Lạy ông, tôi ở bụi này!”. Vì rành rành trong trí nhớ của nhiều người làm nhạc: Trước đây, chúng ta đã từng cấp phép những ca khúc trước năm 1975. Đúng như một nhạc sĩ nói: “Cục tự cấp tự cho mà không biết từng cấp cho ai, cho từ lúc nào, sử dụng như thế nào!”. Và quả thật, cho đến tận bây giờ, dư luận vẫn không hiểu vì sao “ông Cục” lại có “sáng kiến” này.

Danh mục hơn 300 ca khúc được phổ biến kia, cùng với những lời giải thích, nhận lỗi của Cục NTBD càng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất bình về chuyện cấp phép ca khúc thời gian gần đây. Giới làm nhạc không ngần ngại nói rằng: Cấp phép hay cập nhật gì trong danh mục ca khúc được phép phổ biến với các nhạc phẩm này đều là ấu trĩ, là cách hành xử lạc hậu, là tự làm rối mình. Có người còn thẳng thắn: Cục NTBD hình như không quan tâm đến nhiệm vụ trách nhiệm của mình, tức làm sao để thủ tục cấp phép biểu diễn được hợp lý và khoa học. Ngẫm ra những nhận định ấy không sai khi mà Cục NTBD cứ mê mải sa đà vào một công việc thừa, chẳng cần thiết mà lại gây phản cảm như vậy.

Câu chuyện rầm rĩ đến độ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải lên tiếng chỉ đạo Bộ VHTT&DL yêu cầu Cục NTBD dừng cái việc làm thừa kia. Thay vào đó, cần rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực NTBD để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển; đồng thời chấn chỉnh công tác tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ… Câu chuyện như vậy đã rõ, phận sự mà “ông Cục” cần làm bây giờ không phải là ngồi để nối dài thêm trên trang web của Cục cái Danh mục phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975!