Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị với các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, thông tin rộng rãi tới mọi người dân nhằm khôi phục danh dự cho những người bị xử oan sai.
Tháng 8/1985, ông Phùng Văn Cung sinh năm 1928 ở nhà số 14 đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Pleiku) bị Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai kết án 3 năm tù giam về tội chống người thi hành công vụ, khi ông không đồng ý tự giải toả ngôi nhà mình đang ở.
Sau khi thấy cha mình bị bắt, ông Phùng Trọng Hùng và bà Phùng Thị Kim Oanh (2 anh em ruột) đã có những hành động sai trái phản ứng những người đại diện pháp luật thực thi nhiệm vụ và cũng bị bắt tạm giam (ông Phùng Trọng Hùng tạm giam 4 tháng, bà Phùng Thị Kim Oanh tạm giam gần 2 tháng) về tội chống đối người thi hành công vụ và gây rối trật tự công cộng.
Sau một thời gian dài, các con ông Cung đã đến nhiều cơ quan từ địa phương đến Trung ương để minh oan cho cha mình và cho cả bản thân mình. Đầu năm 2011, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khẳng định ông Phùng Văn Cung bị bắt giam 3 năm là oan sai và Toà án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng công khai xin lỗi ông Cung và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tháng 7/2014, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Pleiku lại tổ chức công khai xin lỗi bà Phùng Thị Kim Oanh. Sau khi qua đời hơn 1 năm, đến ngày 8/4/2016, ông Phùng Trọng Hùng là người cuối cùng trong gia đình của vụ án oan sai được cơ quan pháp luật công khai xin lỗi.
Bà Phùng Thị Kim Oanh cho rằng, việc các cơ quan pháp lý xin lỗi công khai đối với gia đình cũng như xã hội, tuy có muộn mằn song cũng là điều đáng hoan nghênh bởi pháp lý đã nhận ra việc làm sai trái của mình trong quá trình thực thi công vụ và gia đình đã được minh oan.
Bà Oanh cho biết, mong muốn của gia đình bây giờ là yêu cầu sớm trả lại số tài sản đã bị tịch thu cách đây hơn 30 năm, giải quyết hoàn trả lại số tài sản và nền nhà số 14, đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Pleiku đã tịch thu cách đây hơn 30 năm, tạo điều kiện cho gia đình ổn định cuộc sống.