Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: Cơ sở hạ tầng làm chùn bước DN ngoại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo khảo sát mới nhất của Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2009, 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước trong tổng số 291 doanh nghiệp đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức kém và rất kém.

KTĐT - Theo khảo sát mới nhất của Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2009, 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước trong tổng số 291 doanh nghiệp đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức kém và rất kém.

Đại đa số các doanh nghiệp đánh giá cơ sở hạ tầng của Việt Nam ở mức kém hoặc rất kém, làm chùn bước bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào muốn đầu tư .

"Cơ sở hạ tầng không phải là mối lo mới. Cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ đã nêu ra vấn đề này tại tất cả các cuộc họp ít nhất từ tháng 5/2006", đại diện của Phòng thương mại Mỹ (AmCham) phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Theo khảo sát mới nhất của Ban thư ký Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2009, 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước trong tổng số 291 doanh nghiệp đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng ở mức kém và rất kém. Kết quả này cũng tương đồng với Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia 2009 của Diễn đàn kinh tế thế giới, trong đó cơ sở hạ tầng bị xếp hạng thấp nhất trong bộ chỉ số cạnh tranh của Việt Nam.

Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết qua khảo sát mới nhất với 600 doanh nghiệp Nhật, cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam vẫn là trở ngại hàng đầu như hồi 2008. Điểm tích cực là năm nay, số lượng các doanh nghiệp Nhật rất không hài lòng với cơ sở hạ tầng giảm xuống từ 43,1% xuống còn 33,8%. Đa số doanh nghiệp Nhật (80%) cho rằng Việt Nam cần cải thiện hệ thống đường xá, sau đó là điện năng, cảng và hệ thống cấp thoát nước.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu Eurocham, nhận định: "Tiêu thụ điện năng tăng 15% hàng năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế và dự kiến sẽ tăng gấp 3,5% tốc độ phát triển kinh tế vào năm 2020. Việt Nam chưa phát triển được một thị trường điện cạnh tranh".

Đại diện của AmCham cho rằng Việt Nam đã được nhận nguồn vốn vay lớn để phát triển hạ tầng giao thông từ nhiều tổ chức như World Bank, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. "Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn này bị hạn chế bởi tính thiếu hiệu quả và tham nhũng, như trường hợp PMU18 và Đại lộ Đông Tây", ông nhận định. "Chống tham nhũng, đặc biệt là trong các công trình hạ tầng là thách thức lớn của Việt Nam và là mối quan ngại hàng đầu của 70% doanh nghiệp Mỹ ở Việt Nam trong vài năm qua".

Hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài, chiếm 30% trong số doanh nghiệp tham gia khảo sát, đặt việc cải thiện cơ sở hạ tầng là khuyến nghị hàng đầu đối với Chính phủ trong năm nay. Trong khi đó, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước là cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định và thủ tục không cần thiết.

Theo khảo sát của Ban thư ký Diễn đàn kinh tế Việt Nam, đa số các doanh nghiệp (61,87%) cho rằng năm nay Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hơn. Chỉ có 32,73% đánh giá nền kinh tế sẽ giậm chân tại chỗ và 5,4% doanh nghiệp nhìn nhận bi quan, cho rằng kinh tế 2009 sẽ thụt lùi. Trong nhóm bi quan nhất, hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong ngành dịch vụ.

Ngân hàng JBIC khẳng định năm 2009, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong 4 năm liên tục kể từ năm 2006, Việt Nam giữ hạng 3 trong số 20 quốc gia đầu tư tiềm năng nhất về trung hạn đối với các doanh nghiệp nước này. Năm nay, lý do chính hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản không còn là lực lượng lao động rẻ mà là tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

Trong khi đó, cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ lại cho rằng tuy thị trường bất động sản và chứng khoán đã có nhiều chuyển biến phục hồi, nhưng chủ yếu được thúc đẩy nhờ gói kích cầu của Việt Nam. "Tăng trưởng dựa vào kích cầu là điều đáng hoan nghênh, nhưng chứa đựng rủi ro gây thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại. Một chiến lược tăng trưởng dài hơi hơn cần phải lấy khu vực tư nhân làm động lực và cần phải bao gồm cả khu vực sản xuất công nghiệp cho xuất khẩu", đại diện của AmCham khuyến nghị.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần này nằm trong khuôn khổ Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, diễn ra vào ngày 3 và 4/12 tới. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cùng hơn 500 đại biểu từ các cơ quan Chính phủ, đại diện các định chế tài chính, phòng thương mại các nước, cộng đồng doanh nghiệp.