Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân tại hội thảo “Những thành tựu của Ủy ban Liên chính phủ và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam” do Bộ TNMT, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức. Theo đó, Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện một số chiến lược, chính sách về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, năm 2016 kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam đã được cập nhật dựa trên kết quả mới nhất trong Báo cáo tổng hợp AR5 của IPCC theo lộ trình đã được xác nhận trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Qua đó, chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp phù hợp về khoa học, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Trả lời giới truyền thông về những khó khăn của Việt Nam trong việc thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn thuộc Cục KTTVBĐKH, Bộ TNMT cho biết: Thực tế, việc thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là quá trình liên tục, kế thừa những hoạt động mà chính phủ đã và đang triển khai hiện nay trên toàn quốc trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Từ nay đến năm 2020, những hoạt động này vẫn được triển khai bình thường, song sau năm 2020 sẽ có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mảng đóng góp mang tính chất tự nguyện sang đóng góp mang tính chất bắt buộc.
Về mặt hỗ trợ của quốc tế, ông Phạm Văn Tấn cho biết, Việt Nam đã có một chương trình hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu từ 2009 cho đến nay và đang chuẩn bị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến năm 2020. “Chúng tôi coi đây là phương tiện để thực hiện kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris ở Việt Nam, với chương trình này thì riêng từ năm 2016 – 2018, các đối tác quốc tế đã cam kết hỗ trợ tài chính lên tới 500 triệu USD”, ông Tấn nói.
Quan điểm của Việt Nam là việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước cũng như mức độ hỗ trợ từ quốc tế. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuẩn bị nguồn lực về con người, công nghệ, tài chính. Mục tiêu hướng đến năm 2030 giảm 8% phát thải khí nhà kính bằng nguồn lực quốc gia và nâng lên đến 25% khi có hỗ trợ từ quốc tế.
Một số chuyên gia nhận định, so với các nước phát triển và đang phát triển nói chung so cũng như các nước trong khu vực nói riêng, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu khá cao. Bởi, công nghệ trình độ sản xuất của Việt Nam chủ yếu là những DN nhỏ lẻ, họ thường sử dụng công nghệ khá lạc hậu, nên việc tiêu tốn năng lượng vào sản phẩm đầu vào cao hơn các nước khác. Tuy nhiên, theo Trợ lý Giám đốc Quốc gia Đào Xuân Lai từ UNDP, cường độ phát thải của Việt Nam lớn hơn trung bình, song trên thực tế, nếu so với cường độ phát thải của Trung Quốc là 0,86, Singapore là 0,78; Thái Lan là 0,49… thì con số 0,42 của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Liên quan tới việc cân bằng giới và biến đổi khí hậu, theo ông Hoesung Lee, Chủ tịch IPCC, đây là một vấn đề quan trọng, vì đó là yếu tố bảo đảm quyền lợi cũng như lợi ích của những bên tham gia. “Chúng tôi biết rất rõ, trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định, mỗi quốc gia sẽ phải cân nhắc rõ ràng, cụ thể vấn đề bình đẳng giới này. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiến hành nghiên cứu để nâng cao sự hiểu biết về bình đẳng giới trong các vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Lee nói.