KTĐT - Đó là nhận định đã được đưa ra trong báo cáo mới nhất công bố sáng 4/ 11 của Ngân hàng Thế giới (WB). Nhóm nghiên cứu của WB cũng nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế đã làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, sự thâm hụt tài chính của Việt Nam có khả năng tăng lên đến 9,4% GDP trong năm 2009, phản ánh mức sụt giảm doanh thu và chi phí tiêu dùng tăng lên đáng kể. Doanh thu thường có xu hướng suy giảm cùng với sự suy thoái của các hoạt động kinh tế, giá dầu giảm và các biện pháp giãn thuế khác nhau trong các gói kích thích. Mức chi tiêu đã tăng đáng kể do có các biện pháp kích thích tiêu dùng và cam kết của chính phủ nhằm đảm bảo mang lại an sinh xã hội.
Các chuyên gia WB cho rằng, trong khi Việt Nam có thể kêu gọi thêm các nguồn tài chính từ bên ngoài thì vẫn còn tồn tại một khoảng trống tài chính đáng kể và chính phủ cần phải xem xét lại gói kích thích của mình để đảm bảo duy trì cân bằng tài chính ở mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng nguyên nhân kìm hãm việc hỗ trợ năng lực tài chính của chính phủ bắt nguồn từ những nguồn tài chính ngắn hạn chứ không phải từ khả năng duy trì nợ trung hạn.
Báo cáo của WB cũng nhận định, cuộc suy thoái kinh tế thế giới đã có ảnh hưởng rõ rệt đến khu vực xuất nhập khẩu của Việt Nam mà trong đó mối lo ngại chính là hoạt động xuất khẩu, vốn chiếm 70% GDP. Trong 8 tháng năm 2009, xuất khẩu tính theo USD đã giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ xuất khẩu đều giảm ở hầu khắp các mặt hàng và các thị trường truyền thống của Việt Nam. Mặc dù sự giảm sút này còn ít hơn ở các nước đang phát triển khác, nhưng nó cũng làm cho năm 2009 trở thành năm đầu tiên Việt Nam phải gánh chịu sự sụt giảm về xuất khẩu kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế.
Về nhập khẩu, 8 tháng năm 2009 đã chứng kiến sự suy giảm còn mạnh mẽ hơn, thấp hơn 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự xuống dốc tương đối của xuất khẩu và nhập khẩu lại giúp thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại và thâm hụt tài khoản vãng lai, trong đó thâm hụt tài khoản vãng lai được ước đoán ở mức 5 % GDP năm 2009, giảm xuống từ 11,9% năm 2008. Mức thâm hụt thực tế có thể còn cao hơn thế nếu nền kinh tế tiếp tục đẩy mạnh đà phục hồi hiện nay. Mặc dù có thể quản lý được mức thâm hụt tài khoản vãng lai theo dự đoán nhưng dự trữ ngoại tệ lại sụt giảm từ mức 23 tỷ USD vào cuối năm 2008 xuống còn khoảng 16,5 tỷ vào tháng 8 năm 2009. Phần lớn sự sụt giảm diễn ra vào giữa tháng 5 và tháng 7 khi ngân hàng trung ương tác động vào thị trường hối đoái nhằm bình ổn tiền tệ.
Về tình hình tiền tệ, do lãi suất cho vay không được phép cao hơn lãi suất đối với vay chính sách quá 50%, nên mức chênh lệch lãi suất của các ngân hàng thương mại bị thu hẹp đáng kể. Lãi suất thấp có thể gây khó khăn cho chính phủ trong việc phát hành trái phiếu và gây ra tâm lý lưỡng lự của các nhà xuất khẩu khi bán ngoại hối. “Nhận ra các nguy cơ đang nổi lên từ chính sách nới lỏng tiền tệ, ngân hàng trung ương gần đây đã yêu cầu các ngân hàng thương mại lớn phải giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 25% trong năm nay”- WB đánh giá.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Và do đo, những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi cũng đang xuất hiện. Chính phủ đã công bố gói kích thích bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, từ việc trợ cấp lãi suất, hoãn thuế đến việc giải ngân thêm vốn. Kết quả là GDP đã tăng 4,5% vào quý hai và 5,8% vào quý ba, làm cho tốc độ tăng GDP thực sự đạt 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái tính từ tháng 1 đến tháng 9.
Một điểm sáng đáng chú ý của Việt Nam là dù bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nhưng tỉ lệ nghèo đói ở nước ta vẫn tiếp tục giảm. Đánh giá đói nghèo có sự tham gia của người dân tiến hành từ đầu năm 2008 đến nay ở các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông thôn đã bền vững hơn, người dân vùng sâu vùng xa đã có cơ hội tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ, năng xuất nông nghiệp tăng cao ở nhiều vùng và nhiều cơ hội để đa dạng hóa các nguồn thu nhập ở nông thôn hơn.
Bởi vậy, mặc dù dự đoán mức tăng trưởng cả năm 2009 của Việt Nam sẽ là 5,5%, hoặc thấp hơn 2 phần trăm so với trung bình các năm trước nhưng Báo cáo của WB vẫn tin tưởng rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tự tìm đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng một cách tốt đẹp.