70 năm giải phóng Thủ đô

Việt Nam hoan nghênh những nỗ lực của Liên Hợp quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Kỳ họp lần thứ 25 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (LHQ), trong 2 ngày (11 - 12/3) đã diễn ra phiên Đối thoại với các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về "Tự do tôn giáo và tín ngưỡng" và về "Bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong chống khủng bố".

Phát biểu tại phiên đối thoại, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ đã hoan nghênh các nỗ lực Hội đồng Nhân quyền và các Báo cáo viên LHQ về tinh thần hợp tác, đối thoại xây dựng và tăng cường hiểu biết giữa các quốc gia cũng như nỗ lực của cộng đồng quốc tế về thúc đẩy, phát triển hài hòa các tôn giáo trên thế giới, góp phần đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Đồng thời, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế về cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề về hận thù tôn giáo và khủng bố, trong đó có các nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng, phân biệt sắc tộc và tôn giáo.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng tái khẳng định các cam kết của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người dân, trong đó có các quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Phát biểu của Đại sứ cũng giới thiệu tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam; trong đó, 95% người dân Việt Nam theo các tín ngưỡng, tôn giáo phổ biến trên thế giới như đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Tin lành và Hồi giáo với số lượng lớn các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau diễn ra hàng năm. Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Trung Thành thông báo, Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với LHQ tích cực chuẩn bị để đảm bảo thành công chuyến thăm, làm việc của Báo cáo viên đặc biệt về Tôn giáo tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác đa phương tại Hội đồng Nhân quyền Kỳ họp thứ 25, Đại sứ Nguyễn Trung Thành cũng tham gia các phiên tham vấn, thảo luận cấp đại sứ của Nhóm Không liên kết (NAM) và Nhóm các nước Đồng quan điểm (LMG) cũng như các buổi tiếp song phương khác về các chủ đề, nội dung được nhiều nước quan tâm, đang thương lượng dự thảo nghị quyết để trình Hội đồng Nhân quyền Kỳ họp này.