Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam: Kịch bản kinh tế năm 2010

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2009 Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Kinh tế vĩ mô ổ định hơn năm 2008 và có điều kiện hồi phục, thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

KTĐT - Năm 2009 Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Kinh tế vĩ mô ổ định hơn năm 2008 và có điều kiện hồi phục, thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tiếp đà phục hồi năm 2009, kinh tế VN năm tới sẽ tăng trưởng với sức bật của thị trường nội địa, tỷ giá được điều chỉnh linh để kích thích xuất khẩu và giảm nhập siêu, song lạm phát có thể trở lại.

Nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Kịch bản kinh tế VN 2010" chiều 1/12 tại TP HCM, bức tranh tăng trưởng kinh tế VN năm tới khá sáng sủa tuy vẫn có một vài nét gợn phải phòng ngừa.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2009 đã phục hồi trên tất cả lĩnh vực. GDP cả năm 2009 ước tính sẽ tăng 5,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 6,5% và cả năm dự báo đạt 7,2%. Kim ngạch xuất khẩu tăng dần trong các tháng cuối năm. Tuy nhiên tổng kim ngạch xuất khẩu có thể thấp hơn năm 2008 khoảng 10%. Tổng dư nợ tín dụng 35% và chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 6-7%.

Năm 2009 Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực. Kinh tế vĩ mô ổ định hơn năm 2008 và có điều kiện hồi phục, thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
 
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau khoảng 6,5%, xuất khẩu tăng khoảng 6%, giảm nhập siêu, chỉ số giá cả hàng hóa (CPI) dưới 7%. Ông Lịch cho rằng, năm 2010 VN sẽ chú trọng thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng vững chắc, quan tâm đến tăng trưởng chất lượng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn ngừa tái lạm phát cao.

Thị trường quan trọng là nội địa tiếp tục được chú trọng khai thác, vì đây là sân nhà của các doanh nghiệp Việt Nam. "Chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tiến hành các giải pháp an sinh xã hội", người từng đứng đầu Viện Kinh tế TP HCM nhận định.

Theo ông, sang năm 2010, tỷ giá VND/USD vẫn được điều chỉnh linh hoạt theo tỷ giá của USD so với các đồng tiền mạnh khác trên thị trường quốc tế nhằm kích thích xuất khẩu, giảm nhập siêu, giữ thăng bằng cán cân tổng thể. Chính sách lãi suất dương tiếp tục được duy trì. Ông Lịch cũng nhấn mạnh: "Khả năng hồi phục của thị trường chứng khoán rất cao nhưng phải phòng ngừa nguy cơ bong bóng. Cần tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển thị trường vốn".

Cũng lạc quan về tình hình kinh tế VN 2010, song Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright tại VN, cảnh báo về khả năng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Lý do là vẫn còn những rủi ro vĩ mô như thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán, áp lực phá giá đồng tiền và rủi ro tỷ giá, lạm phát có nguy cơ trở lại.

Ông Tự Anh lưu ý: "Thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro chỉ số tiêu dùng có khả năng tăng trở lại, rủi ro về môi trường chính sách và những vấn đề có tính tái cấu trúc tồn tại từ lâu".

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng để phát triển bền vững, Chính phủ nên xem lại cách nhìn và chiến lược đối với đầu tư nước ngoài. Thay vì thúc đẩy kêu gọi đầu tư trực tiếp thì cần nhanh chóng tổ chức hệ thống các quỹ đầu tư gián tiếp. "Việt Nam không nhất thiết phải phát triển theo mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như hiện nay. Các doanh nghiệp phải tự nỗ lực, tái cấu trúc doanh nghiệp phải đặt lên ưu tiên hàng đầu", ông nói.

Cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế, Giáo sư Nguyễn Quang Thái đưa ra hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên là kinh tế tiệm tiến theo mô hình cũ, có khả năng tăng trưởng chậm và nguy cơ khủng hoảng nhỏ. Một số chỉ tiêu kế hoạch có thể đạt hoặc gần đạt như tăng trưởng trên 6%, tuy nhiên chủ yếu do đẩy mạnh đầu tư là chính, còn năng suất và hiệu quả thấp. Lạm phát có thể quay lại do các yếu tố mất ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm sức cạnh tranh, mất ổn định xã hội bởi phân hóa giàu nghèo.

Kịch bản thứ hai là các chỉ tiêu kinh tế được đề ra vừa phải nhưng hướng đến chất lượng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ, tăng sức cạnh tranh, năng suất, hiệu quả. Phát triển bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Muốn vậy cần phải đổi mới tư duy và chính sách, từ đó cải biến mô hình phát triển theo lộ trình thích hợp.

"Tái cấu trúc nền kinh tế dựa trên chất lượng, năng suất, hiệu quả, tạo tiền đề cho sức sáng tạo của doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế khác", Giáo sư Thái nhấn mạnh.