Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam là đối tác đầu tư lớn thứ 3 của Hàn Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng vốn đăng ký đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đã đạt mức gần 40 tỷ USD.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), hiện tại Hàn Quốc đang là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt mức gần 40 tỷ USD. Việt Nam cũng là địa điểm đầu tư lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Trung Quốc (hơn 86 tỷ USD) và Mỹ (83 tỷ USD).

Phía Cục cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đang có những chính sách nhằm khuyến khích các DN nước này đầu tư vào Việt Nam, coi đây là một địa bàn đầu tư chiến lược. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách FORTUNE 500 đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung, LG, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK ...
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đang dẫn đầu xuất khẩu linh kiện và điện thoại các loại của Việt Nam
Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang dẫn đầu xuất khẩu linh kiện và điện thoại các loại của Việt Nam
Tính đến tháng 7/2015, Hàn Quốc đang có 4.555 dự án đầu tư còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hyosung và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3 (Singapore, BVI, Thổ Nhĩ Kỳ ...), tổng vốn FDI lũy kế của Hàn Quốc tại Việt Nam có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam và có khoảng chênh lệch lên đến hơn 12 tỷ USD so với Nhật Bản, đối tác FDI thứ 2 tại Việt Nam.

Cũng trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 1,9 tỷ USD qua 484 dự án đầu tư cấp mới và tăng vốn,nhà đầu tư Hàn Quốc đã có mặt tại 34 địa phương của cả nước. Trong đó, các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Bình  Dương, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh là những địa phương nhận được nhiều đầu tư từ Hàn Quốc. Các hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài, liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Các lĩnh vực nhận được đầu tư lớn từ phía Hàn Quốc là công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Những dụ án đầu tư này có sức ảnh hưởng lớn với vốn cam kết lên đến hàng tỉ USD như của tập đoàn điện tử Samsung, LG... đã kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng Hàn Quốc đi cùng với quy mô đầu tư lớn không kém.

Phía Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết thêm, trong số các nước ASEAN gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Myanmar và Campuchia, cơ hội cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam được DN Hàn Quốc đánh giá cao nhất. Việt Nam có ưu thế về nguồn lao động cạnh tranh, chi phí nhân công rẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và là thị trường tiêu thụ tiềm năng có nhiều điểm tương đồng với thị trường Hàn Quốc.

Được biết, trong thời gian tới, một số lĩnh vực mà các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là: công nghiệp điện tử (đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh) ; phân phối, bán buôn bán lẻ (Lotte, Shinseghe, E Mart) ; tài chính - bảo hiểm (Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha ...); kinh doanh bất động sản (Daewoo, GS, Posco, Hyundai ...) ; năng lượng (các nhà máy nhiệt điện và điện nguyên tử ở cấp Chính phủ như Kepco, Doosan, Samsung, Taekwang ...) ...