Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam – Lào: Trao đổi kinh nghiệm hoạt động chính quyền địa phương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải chủ trì buổi hội thảo với chủ đề “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động của chính quyền địa phương”.

Tới tham dự buổi hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải cùng đoàn đại biểu Lào do Chủ tịch Quốc hội Lào, Pany Yathotou dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc buổi hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, những năm qua thực hiện chương trình hợp tác giữa hai Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn, Hà Nội đã hỗ trợ nguồn lực và nhiều công trình ý nghĩa cho Viêng Chăn, hỗ trợ học bổng cho con em Lào sang học tập tại Hà Nội. Tính đến nay, Hà Nôị đã hỗ trợ kinh phí và công trình tương đương 120 tỷ đồng (khoảng 5,3 triệu USD, với nhiều công trình lớn và ý nghĩa như: xây dựng Trường Chính trị hành chính Luông Pha Băng 16,7 tỷ; Xây dựng Ký túc xá Trường Chính trị hành chính Viêng Chăn 72,5 tỷ,…). Bên cạnh đó, các cơ quan TP tổ chức nhiều đợt hoạt động tình nguyện, khám chữa bệnh cho nhân dân các bộ tộc Lào; các quận huyện của Hà Nội kết nghĩa với các quận huyện của Viêng Chăn cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ.

Với mục đích tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử của Lào với cơ quan lập pháp, cơ quan dân cử của Việt Nam từ T.Ư đến địa phương. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải, hội thảo đã tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm với 5 nhóm vấn đề chính, bao gồm kinh nghiệm giám sát việc thực thi pháp luật và các văn bản dưới luật trong lĩnh vực thu ngân sách nhà nước; cơ chế phối hợp và triển khai nhiệm vụ giữa HĐND TP với các ngành, địa phương; cơ chế phối hợp giải quyết kiến nghị của người dân giữa HĐND TP Hà Nội với các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó là chính sách liên quan đến đất đai và việc tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai của Thủ đô Hà Nội hiện nay; các chính sách khuyến khích DN vừa và nhỏ (DNNVV); quy chế cấp phép; cơ chế phối hợp và phân cấp quản lý giữa T.Ư, Thủ đô và cấp địa phương, tỉnh, quận, huyện.

 Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề chính quyền địa phương.

Chia sẻ và trao đổi về một số kinh nghiệm liên quan tới hoạt động của chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết, đối với chính sách về đất đai và tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai, trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận (GCN) và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho 1.545.686 thửa, đạt 99,6%, cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở cho 182.406 căn, đạt 95,79%, cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau đồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là 617.531. Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai, tiếp tục kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đặc biệt là đất nông nghiệp công ích, đất công. Đồng thời đẩy nhanh, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính tổng thể và cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn địa bàn TP…

Về kinh nghiệm trong việc triển khai chính sách khuyến khích DNNVV, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Lê Hồng Sơn cho biết, số DN đăng ký thành lập và hoạt động hiện nay là 257.872 DN, trong đó chủ yếu là các DNNVV, chiếm 97%. Để tạo thuận lợi và khuyến khích phát triển cho DNNVV, TP Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập DN, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp…

 Bí thư Thành ủy Hà Nội, Hoàng Trung Hải tặng hoa cho các đại biểu.

Để mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội – Viêng Chăn nói riêng và Việt Nam – Lào nói chung thêm sâu sắc, hiệu quả và thực chất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, thứ nhất Hà Nội cần tiếp tục triển khai những hội thảo trao đổi kinh nghiệm chính quyền địa phương với Lào. Thứ hai, hai nước cũng cần tăng cường hợp tác đẩy mạnh vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế pháp luật. Thứ 3, quan tâm thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước, đồng thời thường xuyên cử các tổ công tác hai nước sang nghiên cứu về xây dựng hệ thống luật pháp.  

Bày tỏ vui mừng được tham dự hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đánh giá cao về công tác hoạt động của chính quyền địa phương tại Việt Nam với sự nghiêm ngặt trong việc tổ chức, thực thi văn bản pháp luật. Trên cơ sở văn bản pháp luật, các tỉnh, TP Việt Nam nói chùng và Hà Nội nói riêng đã tích cực cụ thể hóa thành các chương trình, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đô thị. Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou khẳng định, hội thảo là cơ hội để hai bên trao đổi kinh nghiệm, qua đó làm cơ sở nghiên cứu, củng cố và hoàn thiện văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề này trong thời gian tới.