Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành hàng chăn nuôi lợn. Virus dịch sẽ còn tồn tại lâu dài tại Việt Nam, vì vậy việc phòng chống phải theo phương châm lâu dài, chưa thể dập được dịch trong ngày một ngày hai. Bên cạnh công tác chống dịch, ngành nông nghiệp còn phải tổ chức sản xuất chăn nuôi, sẵn sàng các phương án để tái đàn, nhất là không để người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn.
Để làm được điều này, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng là lý do mà Chính phủ thành lập Ban chỉ đao quốc gia phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ NN&PTNT đang tham mưu Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị để triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. “Thực tế gần hai tháng qua, ở đâu cả hệ thống chính trị vào cuộc thì dịch được khoanh lại, không lan nhanh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều giải pháp chống dịch, trong đó có việc nghiên cứu vắcxin dịch tả lợn châu Phi. “Bệnh dịch này xuất hiện gần 100 năm nhưng thế giới chưa có vắcxin. Để đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài của ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi lợn, Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vắcxin với sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN và Bộ Y tế. Ban chỉ đạo sẽ mời thêm các trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học và đơn vị liên quan để cùng nghiên cứu”, ông nói.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến ngày 26/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 440 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, TP với gần 65.000 con lợn đã bị tiêu hủy. Trong đó, Bắc Giang là địa phương mới nhất ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi. Theo Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long, trong giai đoạn đầu, dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Nhưng từ ngày 20/3, bệnh có chiều hướng lây lan nhanh ở phạm vi rộng, cũng như xuất hiện một số ổ dịch với quy mô lớn hơn.