Việt Nam sẽ phát triển ngành công nghiệp gỗ minh bạch, thuỷ chung với bạn hàng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh như trên khi phát biểu tại hội nghị về xuất khẩu gỗ cứng vào Đông Nam Á do Hội đồng Xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ tổ chức sáng 25/6.

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu bền vững. Sự tăng trưởng đó thể hiện rõ nét nhất trên quy mô các DN ngành chế biến gỗ. Cụ thể, nếu như cách đây 5 năm, cả nước chỉ có 3.200 DN, thì đến nay đã có khoảng 5.000 DN tham gia vào sản xuất, chế biến đồ gỗ (không tính hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ). 
 Quang cảnh hội nghị 
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản cuẩ Việt Nam nhiều năm qua đều tăng trưởng đạt từ 12 – 17%. Năm 2018, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,4 tỷ USD. Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng đối với Hoa Kỳ, đây là thị trường quan trọng bậc nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản của Việt Nam. 2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng 42% tổng giá trị ngành gỗ và lâm sản sang Hoa Kỳ. Trong 5 tháng đầu năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 45% giá trị. 
Không chỉ xuất khẩu, Việt Nam hiện cũng nhập khẩu khối lượng lớn gỗ và lâm sản từ Hoa Kỳ. Việt Nam hiện là điểm đến số 1 của gỗ cứng Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 138 triệu USD gỗ và lâm sản từ Hoa Kỳ, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2018. Dù vậy, tiềm năng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ vào Việt Nam vẫn còn rất lớn. 
 Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá, gỗ cứng Hoa Kỳ đã và đang khẳng định tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam. Bày tỏ mong muốn đưa chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trong sự phát triển đó rất cần sự phối hợp của Hoa Kỳ, đặc biệt là các DN nước bạn trong cung ứng nguồn nguyên liệu. “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam sẽ hướng tới minh bạch, thuỷ chung với bạn hàng và áp dụng quy trình sản xuất tốt để bảo đảm sự phát triển bền vững” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, mục tiêu Chính phủ đặt ra cho ngành gõ và lâm sản là xuất khẩu đạt 11 tỷ USD trong năm 2019. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cam kết đồng hành, tạo điều kiện cho các DN, bao gồm cả các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, Việt Nam hết sức trân trọng, mong muốn và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng, DN Hoa Kỳ nói chung, cùng “bắt tay” với các bộ ngành, địa phương, DN Việt Nam phát triển ngành gỗ và lâm sản Việt Nam bền vững.