Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện DN Đức đầu tư lâu dài

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hợp tác và cùng thành công. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Đức đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Trên đây là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APK 14) được rổ chức sáng 21/11/2014, tại TP. Hồ Chí Minh.

 Đây là sự kiện được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 1986 và đã trở thành một trong những sự kiện mang tầm quốc tế lớn trong khu vực thu hút nhiều chính trị gia và các chuyên gia kinh tế tham dự. APK 14 là Hội nghị doanh nghiệp Đức ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức Sigmar Gabriel; Chủ tịch Ủy ban châu Á - Thái Bình Dương của Giới chủ Đức (APA) Hubert Lienhard; các Bộ trưởng Kinh tế của khu vực; Tổng Thư ký ASEAN; các chuyên gia kinh tế và gần 700 doanh nghiệp hàng đầu của Đức, doanh nghiệp các nước khu vực và Việt Nam tham dự Hội nghị.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong những năm gần đây, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nổi lên là động lực tăng trưởng và liên kết của kinh tế thế giới, đưa khu vực này trở thành một trung tâm kinh tế lớn, chiếm gần 55% GDP toàn cầu và có vai trò rất quan trọng hình thành trật tự thế giới trong tương lai. Tạo nên xu thế phát triển mạnh mẽ này, có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động tại khu vực, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Đức. Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/10/2014 tại Berlin, Thủ tướng hai nước đã thống nhất nhiều định hướng hợp tác chiến lược quan trọng gắn với các kế hoạch hành động cụ thể để đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Đức đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Trong đó tập trung vào các nhóm lĩnh vực trọng tâm là hợp tác về chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; hợp tác phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội. Đây chính là khung khổ vững chắc cho sự hợp tác thành công của doanh nghiệp hai bên, nhất là trong các ngành mà hai bên có thế mạnh và có nhu cầu như phát triển năng lượng, công nghệ xanh, sạch, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, giao thông công cộng, tài chính ngân hàng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản và trên các lĩnh vực khác...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang trong tiến trình xây dựng mạnh mẽ Nhà nước pháp quyền và phát huy quyền dân chủ của người dân, hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng GDP bình quân 6-7%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó Việt Nam có nhu cầu lên tới hàng chục tỷ USD để đầu tư vào các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, năng lượng tái tạo, giao thông, nhất là giao thông đô thị, cảng biển, sân bay. “Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo mô hình đối tác công-tư (PPP) và đây cũng chính là thế mạnh của các nhà đầu tư, của các doanh nghiệp Đức”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, hiện nay Việt Nam đang nỗ lực cùng các quốc gia thành viên hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, hình thành một thị trường chung của ASEAN với dân số 600 triệu người, GDP hơn 2.000 tỷ USD; tự do di chuyển của vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động. Đồng thời, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và Việt Nam cũng đang nỗ lực đàm phán 6 FTA mới có tiêu chuẩn cao, trong đó có FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Với nỗ lực cải cách trong nước và chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao trong thời gian tới, môi trường pháp luật, kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định và cho rằng các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các nước đối tác của Việt Nam với thuế suất thấp và các hàng rào kỹ thuật được dỡ bỏ theo đúng các cam kết FTA mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác. “Việt Nam sẽ là mảnh đất lành để các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng nhau hợp tác và cùng thành công. Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của Đức đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Việt Nam luôn coi sự thành công của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong phần kết thúc bài phát biểu.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức Sigmar Gabriel cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam - nơi các doanh nghiệp Đức tổ chức Hội nghị lần này là một trong những trung tâm kinh tế năng động nhất châu Á, là địa điểm tốt nhất để nhìn thấy những xu hướng phát triển mới của khu vực. Ông khẳng định châu Á chính là nơi định hình tương lai thế giới, là trụ cột giao thương quốc tế và là động lực phát triển của kinh tế toàn cầu. Châu Á có dân số đông, trẻ, trình độ giáo dục - đào tạo ngày càng cao, mức độ tiết kiệm lớn và nguồn tài nguyên dồi dào. Đó là lý do mà doanh nghiệp Đức phải có mặt ở châu Á.

Ông Sigmar Gabriel cũng cho rằng là một trung tâm kinh tế, năng động, châu Á cũng là một khu vực đa dạng về văn hóa và tôn giáo, đồng thời đang tồn tại những khác biệt trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tiềm ẩn những nguy cơ đối với hòa bình và ổn định ở khu vực. “Châu Âu cũng hiểu rằng đôi khi có những khác biệt lớn tồn tại giữa một số nước ở châu Á. Chẳng hạn như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Biển Đông cách xa Đức cũng như châu Âu nhưng chúng tôi vẫn có lợi ích sống còn đối với sự ổn định ở khu vực này. Nguyên tắc tự do hàng hải và thương mại toàn cầu đều phụ thuộc vào ổn định. Quan điểm của chính phủ Đức là đe dọa và sử dụng vũ lực không phải là cách giải quyết mâu thuẫn. Chúng tôi quan niệm rằng điều này chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại, dựa trên những quy định đã được công nhận quốc tế. Chúng ta cần cùng làm việc với nhau để đảm bảo rằng quan điểm này được tất cả các bên ủng hộ” - Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh.

Sau Phiên khai mạc, trong Hội nghị kéo dài 3 ngày này, các đại biểu sẽ tham dự và thảo luận tại các phiên họp, gồm: Đối thoại với các Bộ trưởng Châu Á; Tổng quan kinh tế Châu Á; các phiên thảo luận theo chủ đề về Công nghiệp chế tạo, nguồn nguyên liệu thô; FTA và châu Á-Thái Bình Dương; sở hữu trí tuệ, an ninh và ổn định chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương.