Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, từ ngày 5-7/12, khóa họp lần thứ 100 Hội đồng cấp bộ trưởng Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của hơn 700 đại biểu đến từ 159 nước thành viên và quan sát viên. Đoàn đại biểu Việt Nam do ông Nguyễn Minh Vũ, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, dẫn đầu đã tham dự và phát biểu tại khóa họp. Đây là khóa họp cấp bộ trưởng lớn nhất trong lịch sử IOM và diễn ra nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tổ chức này. Khóa họp đã công nhận thêm 14 thành viên mới, nâng tổng số thành viên chính thức của IOM lên 146. Phát biểu tại khóa họp, Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing nhấn mạnh mặc dù thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về kinh tế, nhưng vấn đề di cư vẫn được chú trọng trong chính sách cơ bản của mọi quốc gia. Báo cáo Di cư Thế giới 2011 được công bố tại khóa họp khẳng định rằng sự di chuyển của con người là một phần không thể thiếu của thế giới toàn cầu hóa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thông tin truyền thông trong việc định hình hình ảnh người di cư trong xã hội. Báo cáo cho rằng di cư hiện vẫn là một vấn đề chính trị nhạy cảm, do đó các chính phủ có nhiệm vụ tránh ngăn chặn tình trạng thông tin sai lệch dẫn đến nhận thức sai, ảnh hưởng tới các chính sách của chính phủ cũng như thái độ tiêu cực trong cộng đồng. Báo cáo kêu gọi các chính phủ, các xã hội, các tổ chức quốc tế và phương tiện thông tin đại chúng làm tốt vai trò của mình bằng cách tham gia các cuộc thảo luận cởi mở và trung thực để nhận thức rõ hơn về vấn đề di cư và định hướng chính sách nhằm đem lại kết quả tốt nhất cho các bên. Phát biểu tại khóa họp, trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Minh Vũ cho rằng không thể kiểm soát tình trạng di cư một cách hiệu quả chỉ bằng các biện pháp trong một quốc gia, mà cần có sự phối hợp nỗ lực chung của cả khu vực và toàn cầu. Theo ông Vũ, hoạt động di cư ở Việt Nam ngày càng biến động với số lượng lớn người di cư lao động và di cư nội địa. Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy di cư quốc tế một cách nhân đạo và có trật tự, giúp đỡ những người di cư dễ bị tổn thương cũng như nạn nhân của các vụ buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong những năm qua, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với IOM trong nhiều dự án liên quan đến di cư, bao gồm cả xây dựng hồ sơ di cư Việt Nam, thực hiện sáng kiến xây dựng mô hình "một Liên hợp quốc" mà Việt Nam đang làm thí điểm để các cơ quan của Liên hợp quốc làm việc có hiệu quả tại Việt Nam, ưu tiên xây dựng hoạt động di cư trong chiến lược phát triển và khai thác mối liên hệ giữa di cư lao động và xóa đói giảm nghèo. Việt Nam khuyến nghị IOM đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ người di cư, xây dựng năng lực, thu thập dữ liệu và thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên; cần giảm thiểu và ngăn chặn hoạt động di cư bất hợp pháp bằng cách tăng cường các kênh di cư hợp pháp. Đối thoại giữa các nước đi và đến của người di cư cần phải được tăng cường để nâng cao sự gắn kết trong hoạch định chính sách. Các nước thành viên cần thể hiện vai trò tích cực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, thực hiện các quy định quốc tế bảo vệ người di cư, tạo điều kiện cho họ tham gia và hòa nhập cộng đồng. Theo Tổ chức Di cư quốc tế Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế của Việt Nam đang tạo nên một dòng chảy lớn về di cư từ các khu vực nông thôn đến thành thị và các vùng lân cận, nơi có nhiều cơ hội việc làm. Ước tính, khoảng 25-30% số thành phố lớn ở Việt Nam có người di cư. Những người di cư nội địa thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở, học hành cho con cái và chăm sóc sức khỏe. Việt Nam có khoảng 3 triệu người hiện đang định cư ở nước ngoài, trong đó khoảng 400.000 người là lao động tạm thời./.