Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam thu hút gần 15,6 tỷ USD vốn FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm đến ngày 15/12/2015, vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014.

Đồng thời có 814 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 12,4%; ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt hơn 2,3 tỷ USD, chiếm 10,2%...

Cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2015, trong đó TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trà Vinh hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 16,2%; Bình Dương hơn 2,4 tỷ USD, chiếm 15,8%...

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 2,6 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia hơn 2,447 tỷ USD, chiếm 15,7%; Xamoa 1,3 tỷ USD, chiếm 8,4%...

Ngoài ra, năm 2015 tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư đi đôi với việc tiếp tục giảm dần đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, các ngành và cơ quan chức năng thực hiện đẩy mạnh huy động các nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư, đồng thời tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao, đặc biệt là các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Môi trường pháp lý đầu tư được đổi mới và từng bước hoàn thiện góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên các dự án phát triển công nghệ phụ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2015 ước tính đạt 220,4 nghìn tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch năm và tăng 6,1% so với năm 2014. Cụ thể, vốn trung ương quản lý đạt 43 nghìn tỷ đồng, bằng 105,6% kế hoạch năm và tăng 4,5% so với năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 177,4 nghìn tỷ đồng, bằng 99,5% kế hoạch năm và tăng 6,5% so với năm 2014.