Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ TT&TT, lĩnh vực ICT sẽ là nền tảng và hạt nhân của chuyển đổi số, nâng cao thứ hạng Internet Việt Nam trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa |
Việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 không chỉ phản ánh hiện trạng phát triển Internet quốc gia, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện mục tiêu cao, sứ mạng mới gắn liền với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển Internet an toàn, bền vững.
Thống kê của Trung tâm thông tin mạng Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 300% chỉ trong vòng gần 3 năm, từ dưới 1% trong năm 2016 tăng lên đến 39,41% trong tháng 7/2019.
Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng đến 15% với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6. Trong khi đó, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung toàn cầu hiện mới đạt 22,98%. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6 (sau Ấn Độ, Hoa Kỳ, Bỉ, Đức).
Địa chỉ IPv6 là phiên bản địa chỉ và giao thức Internet thế hệ mới được triển khai sử dụng để thay thế nguồn IPv4 đã cạn kiệt và đáp ứng yêu cầu công nghệ giai đoạn mới.
IPv6 là giao thức mặc định trong mạng di động 4G/LTE, 5G và là công nghệ tối ưu cho cơ sở hạ tầng đám mây (cloud). Việc chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam gắn liền với công cuộc chuyển đổi số.
Trước khi tiến tới các thành phố thông minh và chính phủ điện tử, hạ tầng và nguồn tài nguyên Internet quốc gia cần sẵn sàng về kết nối, đảm bảo các yêu cầu về an toàn an ninh phục vụ cho việc triển khai các công nghệ sẽ bùng nổ trong tương lai như Internet vạn vật (IoT), big data, trí tuệ nhân tạo (AI),...
Theo thống kê của APNIC, Tập đoàn Viễn thông – Công nghiệp Quân đội (Tập đoàn Viettel) hiện đang đẫn đầu công tác chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam với tỉ lệ chuyển đổi khoảng 53,28% (4,2 triệu thuê bao FTTH và 7,6 triệu thuê bao di động 3G/4G).
Theo sau là các doanh nghiệp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Tập đoàn VNPT), Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) và Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), với kết quả ứng dụng IPv6 lần lượt là 39,25% (5 triệu thuê bao FTTH và 2,5 triệu thuê bao di động 3G/4G), 37,40% (5 triệu thuê bao di động) và 30,11% (1,5 triệu thuê bao FTTH). Riêng Mobifone, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của đơn vị đã tăng đột phát, từ 0.3% lên 37,4%.
Hiện tại, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Mobifone đang nghiên cứu thử nghiệm triển khai IPv6 cho mạng di động 5G và xây dựng kế hoạch chuyển đổi mạng lưới sang mạng thuần IPv6 (IPv6 only).
Đối với mảng dịch vụ nội dung số, Cloud, IDC, Hosting, một số doanh nghiệp đã triển khai các ứng dụng IPv6 và bắt đầu có tỉ lệ chuyển đổi trên hệ thống đo kiểm quốc tế như Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist, Công ty CMC Telecom, Công ty NetNam,…
Tại khối cơ quan Nhà nước, tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 34 cổng thông tin điện tử dưới tên miền .gov.vn đã hoạt động với IPv6.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các Sở TT&TT trên các khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đã được tập huấn về IPv6. Một số đơn vị đã chủ động đề xuất chương trình làm việc trực tiếp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia để được tư vấn về xây dựng kế hoạch và cách thức triển khai công nghệ IPv6.
Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bắt kịp đúng xu thế phát triển toàn cầu, sẵn sàng “chuyển mình” vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet cao trên thế giới.