Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UNESCO với số phiếu cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra trong buổi Họp báo thường kỳ tổ chức vào ngày 12/11.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều ngày 12/11, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thêm thông tin về việc Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành của của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết, rạng sáng ngày 12/11/2015, Việt Nam đã được tuyên bố trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019 với số phiếu rất cao (156/186 phiếu).

 
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 38 Đại Hội đồng UNESCO.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 38 Đại Hội đồng UNESCO.
Việc trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO với số phiếu rất cao này thể hiện vị thế và uy tín trên trường quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Việt Nam cho UNESCO.

Đây cũng là lần thứ 4 Việt Nam trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO. Ba lần trước diễn ra vào năm 1978 - 1983; 2001- 2005 và 2009 - 2013.

Trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO một lần nữa, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng với các thành viên khác tham gia một cách chủ động, tích cực trong các quyết sách của UNESCO, qua đó thể hiện vai trò là một thành viên tích cực của các tổ chức có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chủ động trên 5 lĩnh vực là Giáo dục, Văn hóa và Thông tin truyền thông.

Yêu cầu các bên không có lời nói làm phức tạp tình hình Biển Đông

Trước thông tin Trung Quốc đề nghị Philippines không đưa vấn đề Biển Đông ra hội nghị APEC sắp tới, ông Lê Hải Bình cho biết, hội nghị cấp cao APEC sẽ bàn các hợp tác liên quan đến hòa bình và phát triển trong khu vực cũng như các vấn đề khác mà các nhà lãnh đạo thấy phù hợp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết thêm, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC lần này, Việt Nam dự kiến sẽ cùng các nền kinh tế APEC trao đổi về các nội dung tăng trưởng bền vững, liên kết kinh tế, thương mại đa phương...

Bên cạnh đó, trước thông tin bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Singapore cho rằng khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ lâu, người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của mình đối với 2 quần đảo hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời yêu cầu các bên tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo, không có những lời nói và hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực cũng như trên thế giới.

Về việc chính phủ Indonesia cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh với phần lớn Biển Đông và một phần lãnh thổ của nước này không được giải quyết thông qua đối thoại, ông Lê Hải Bình cho hay, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc (LHQ) về luật biển năm 1982. “Chúng tôi cho rằng các quốc gia có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình và phù hợp để giải quyết các tranh chấp quốc tế”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Về thông tin Singapore yêu cầu khách du lịch Việt Nam phải xin phép đại diện Tổng cục Du lịch Singapore tại TP HCM, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore làm việc với các cơ quan chức năng của Singapore làm rõ thêm thông tin đồng thời có hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận song phương của Việt Nam và Singapore.