“Dọn đường” cho vốn Nhật
Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam . Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39 tỷ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau.
Một trong những xu hướng đang ngày càng rõ nét là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Nhật Bản từ Trung Quốc sang các nước Asean, đặc biệt là Việt Nam . Nhận định xu hướng này, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, bộ KH&ĐTcho biết: Hiện nay có nhiều doanh nghiệp Nhật đang tỏ ra “ái ngại” khi đầu tư sang Trung Quốc khi nhiều cửa hàng, nhà máy của Nhật đã bị đập phá, dù đầu tư của Nhật vào Trung Quốc rất lớn.
Theo đó, chọn phương án an toàn hơn, nhà đầu tư Nhật đang chuyển dịch dần sang thị trường các nước Asean trong một vài năm trở lại đây nổi lên như một thị trường hấp dẫn, có tính ổn định về chính trị, thiện chí và hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, để các nhà đầu tư Nhật Bản dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước Asean cũng không phải là việc đơn giản. Bởi để dịch chuyển được sản xuất, nhà đầu tư phải tính tới bài toán làm sao chuyển dịch có hiệu quả và cùng với đó là sự đồng thuận của nước chủ nhà (mà thường các nước chủ nhà sẽ không đồng thuận với phương án dịch chuyển này).
Ông Thắng phân tích rằng, hiện nay vẫn tồn tại hai dòng chảy của đầu tư Nhật Bản trong đó có những nhà đầu tư vấn coi Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ lớn, có những ưu điểm nhất định. Và song hành với đó là sự chuyển dịch của các nhà đầu tư Nhật Bản từ Trung Quốc sang các nước lân cận trong đó có Việt Nam , đặc biệt là đầu tư các sản phẩm mới.
Số phận TPP không ảnh hưởng tới hợp tác Việt - Nhật
Sau khi cuộc bầu cử Mỹ thành công với chiến thắng của ông Donarl Trump, số phận của hiệp định thương mại tự do Thái Bình Dương (TPP) đang bị treo lơ lửng với nguy cơ đổ vỡ hoặc hoãn lại vô thời hạn. Đều là những nước thành viên, cả Nhật Bản và Việt Nam đều có mong muốn hiệp định này sớm được thông qua tạo thuận lợi thương mại hơn giữa các nước. Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ nền kinh tế trong nước được báo trước của ông Trump thì TPP rất khó để trở thành hiện thực.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng sự đổ vỡ của TPP sẽ ảnh hưởng xấu tới đầu tư của Nhật Bản và Việt Nam, tuy nhiên, đứng từ góc độ chuyên gia về Đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Thắng lại cho rằng dù TPP có bị hoãn lại thì cũng không ảnh hưởng gì tới đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Theo đó, ông Thắng phân tích: Dòng vốn đầu tư ra Quốc tế của Nhật vẫn tăng trưởng đều trong những năm vừa qua khoảng 1.500 tỷ đến 1.800 tỷ/năm và đầu tư chủ yếu là các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể hơn, Nhật Bản vẫn có xu hướng mở rộng thị trường sản xuất, với Việt Nam, Nhật vẫn luôn nằm trong Top 3 các nhà đầu tư lớn nhất và luôn đứng vị trí hàng đầu trong vốn thực hiện.
Thời gian gần đây, Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục triển khai chương trình “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản” giai đoạn VI (bắt đầu tư năm 2003) với 7 nội dung thống nhất và phương hướng hoạt động cụ thể. 7 nhóm vấn đề chính bao gồm: lao động; tiền lượng; dịch vụ logistic – vận tải; dịch vụ; dịch vụ hỗ trợ DNNVV; ngành phân phối dược phẩm; và những quy định hạn chế đối với NĐT nước ngoài liên quan đến Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp.
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giúp tăng sức cạnh tranh của môi trương đầu tư Việt Nam, phát triển công nghiệp phụ trợ, thay đổi thủ tục hành chính, luật pháp.
Riêng về phát triển công nghiệp phụ trợ, hợp tác công nghệ cao, ông Thắng cho biết, Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam đã có những chuyến viếng thăm Nhật Bản đề học hỏi kinh nghiệp và được phía Nhật Bản hỗ trợ với các hiệp định hợp tác trong những năm quá.
Trong đó các dự án FDI của Nhật Bản và Việt Nam đã giúp tạo ra các sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao trong khai thác thăm dò dầu khí, lọc hóa dầu, điện tử với sự góp mặt của các nhãn hàng có tên tuổi lớn như Sony, Sanyo…Hoặc các dự án sử dụng vốn ODA như cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ, và các loại cầu vượt giao thông hiện nay đều sử dụng công nghệ của Nhật.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng một trong những vấn đề hiện nay của Việt Nam là sức tiếp thu, năng lực hấp thụ công nghệ của ta còn nhiều hạn chế và trong thời gian sắp tới chúng ta cần có sự thay đổi, thích ứng tốt hơn để có thể tận dụng được lợi thế sẵn có.