Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vietsovpetro và PVEP triển khai ứng phó cơn bão số 9

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước vùng hoạt động của bão số 9 (với sức gió cấp 9 - 10 (75 - 100km/giờ), giật cấp 12) sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng đến các lô dầu khí ngoài khơi Trung Bộ - Nam Trung Bộ,Vietsovpetro và PVEP đã triển khai kế hoạch để ứng phó.

Theo dự báo, từ ngày 24 - 25/11, cơn bão số 9 sẽ gây ảnh hưởng đến vùng biển khu vực mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng và có thể mỏ Thiên Ưng. Đây là cơn bão với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9 giật cấp 10, cấp 11 giật cấp 12 và còn có khả năng mạnh lên.
Cụ thể, lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã nhanh chóng có những chỉ thị thực hiện tất cả các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để ứng phó.
Mỏ Bạch Hổ
Nhằm đảm bảo an toàn sản xuất, an toàn cho người lao động và tài sản của Vietsovpetro khi cơn bão đi qua, lãnh đạo Vietsovpetrođã chỉ đạo các đơn vị cơ sở, công trình, cần đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để ứng phó với cơn bão số 9 theo “Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro”.
Cụ thể, trước 16h30 ngày 23/11, phổ biến cho toàn bộ cán bộ công nhân viên làm việc tại các công trình sản xuất của Vietsovpetro, đảm bảo các yêu cầu an toàn khi tiến hành các công việc sản xuất trong mùa mưa bão. Tùy theo điều kiện thời tiết, tổ chức tuân thủ các quy phạm, quy trình an toàn, quy trình của nhà chế tạo và các tài liệu tiêu chuẩn khác của Việt Nam và Vietsovpetro khi thực hiện các công việc trên cao, các công việc nâng - hạ, làm việc với thiết bị nâng, neo đậu, giao hàng và các công việc khác liên quan tới tàu thuyền.
Trước thời hạn nêu trên, các đơn vị sản xuất phải hoàn thành kiểm tra và đảm bảo tính năng hoạt động của các hệ thống sự cố, hệ thống đảm bảo an toàn công nghệ, các phương tiện và hệ thống chữa cháy, phương tiện cứu sinh, phương tiện và hệ thống liên lạc cũng như các phương tiện ứng cứu sự cố. Tình trạng kỹ thuật của các máy móc và cơ cấu, trang thiết bị, tình trạng chằng buộc tháp khoan, phaken, ăngten, ống xả, phương tiện hàng hải và vật tư bảo quản trên các mặt sàn và mặt boong cần được kiểm tra chi tiết. Các nhu yếu phẩm như nước, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa phẩm, trang thiết bị... trên công trình biển được xem xét dự phòng đủ cho sinh hoạt. Khi có bão đi qua, tất cả cán bộ công nhân viên được chỉ thị phải ở bên trong các block nhà ở và phòng điều khiển.
Đối với các công trình trên bờ, các đơn vị tổ chức kiểm tra khả năng đóng kín của tất cả các cửa ra vào và cửa sổ của các phòng làm việc, sản xuất, các tòa nhà hành chính và sinh hoạt; đốn chặt các cành cây khô trong địa bàn của Vietsovpetro; kiểm tra gia cố các giàn giáo xây dựng, tấm lợp trên mái nhà, khi cần thiết phải tiến hành sửa chữa, gia cố chắc chắn bằng cáp chằng, dây buộc hoặc bao cát...
Đối với các xí nghiệp phải bố trí phòng tập hợp Ban tham mưu của đơn vị cũng như vị trí tập trung và trú ẩn của cán bộ công nhân viên khi có bão. Vị trí tập trung của CBCNV phải được nhận biết bằng các bảng chỉ dẫn. Đồng thời, tiến hành dừng công việc và hạ các cần cẩu, phanh chặn và gia cố đường ray của cẩu chắc chắn (nếu không thể thì phải đưa cần cẩu theo hướng gió), đóng kín các cửa ra vào các nhà, xưởng, kho...
Trước đó, ngày 22/11, PVEP cũng đã phát đi thông tin cảnh báo và yêu cầu các đơn vị/nhà thầu dầu khí cần theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng di chuyển và vùng ảnh hưởng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới, bão đến các hoạt động/công trình dầu khí để chủ động trong công tác ứng phó.
Cũng trong ngày 22/11, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện 1671/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. Công điện chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí trên biển.