Nhà thầu kêu cứu
Cách đây một năm, 8 công ty tham gia xã hội hóa viễn thông xây trạm BTS cho EVN Telecom đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, "tố" Viettel sau khi tiếp nhận EVN Telecom đã đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê trạm BTS, trái với Chỉ thị 422/CT-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 2/4/2010, về việc ưu tiên chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm các trạm BTS.
Sau khi tiếp quản EVN Telecom, Viettel vẫn đang phải giải quyết tranh chấp với các đối tác cũ của EVN Telecom.Ảnh: Đức Tuấn
Các DN nhận thầu xây dựng trạm BTS cho EVN Telecom cho rằng: Họ đã huy động mọi nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và các trạm BTS cho EVN thuê lại với hy vọng hoàn vốn sau 5 năm và có lợi nhuận từ năm thứ 6.
Trong năm 2010, các trạm này đã hoàn thành với chi phí từ 250 - 400 triệu đồng/trạm BTS và được EVN nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tới thời điểm tháng 5/2012, các DN tham gia đầu tư trạm vẫn chưa được EVN thanh toán.
Câu chuyện trở nên phức tạp hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 2151/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 về việc điều chuyển EVN Telecom sang Tập đoàn Viettel. Sau khi tiếp nhận EVN Telecom, Viettel đã gửi văn bản đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng, yêu cầu tháo dỡ trạm BTS chưa được EVN thanh toán, còn một số trạm BTS được ký lại hợp đồng thì phải giảm giá còn 1/3 so với mức cũ... Các DN này cho rằng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái với Quyết định 2151 của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại nặng nề cho họ.
Được biết, Viettel không sử dụng đến 80 - 95% số trạm BTS mà EVN Telecom thuê các DN xây dựng trạm, với số trạm còn lại, Viettel yêu cầu giảm giá thuê.
Còn nhiều vấn đề phức tạp
Bà Nguyễn Hà Thành - đại diện truyền thông của Tập đoàn Viettel khẳng định: Trong số các trạm BTS mà EVN Telecom nhận bàn giao từ các nhà thầu, có nhiều vị trí đặt trạm phát sóng trùng lặp giữa mạng lưới của Viettel và EVN Telecom. Nếu tiếp tục giữ lại các vị trí trên sẽ không đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, có thể phá vỡ hệ thống hạ tầng mạng lưới chung của toàn mạng Viettel.
Việc Viettel đơn phương chấm dứt hợp đồng là nhằm quy hoạch lại hạ tầng mạng lưới tiếp nhận từ EVN Telecom, tránh lãng phí và đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả là thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và Bộ Quốc phòng.
Việc chấm dứt hợp đồng này được pháp luật cho phép và trên cơ sở các điều khoản Hợp đồng kinh tế EVN Telecom và các công ty xây dựng nhà trạm cho thuê đã tự nguyện, thống nhất ký kết trước đây. Viettel đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán tiền thuê nhà trạm kể từ thời điểm tiếp nhận đến khi hợp đồng của các công ty này chấm dứt. Hiện, Viettel không nợ tiền thuê nhà đặt trạm bất kỳ DN nào thỏa thuận với EVN Telecom trước đây.
Tháng 7/2012, Viettel đã căn cứ vào điều khoản quy định trong Hợp đồng gửi thông báo cho đối tác để chấm dứt hợp đồng đối với các vị trí trạm phát sóng không phù hợp. Thực tế, nhiều công ty tham gia xã hội hóa viễn thông cho EVN Telecom thuê đã thực hiện đúng cam kết và phối hợp cùng với Viettel chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, còn 8 DN vẫn không chấp thuận, đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi bồi thường vô lý. Đến cuộc họp lần cuối cùng (từ 27/3 đến 3/4/2013), từ 8 DN rút lại chỉ còn 6 đơn vị.
Trước tình huống này, ngày 2/7/2013, Viettel tuyên bố sẵn sàng đưa các vấn đề chưa thống nhất giữa các bên ra giải quyết tại cơ quan tố tụng theo đúng điều khoản về giải quyết tranh chấp ghi trong Hợp đồng.
Sự việc kể trên một lần nữa cho thấy, hậu sáp nhập EVN Telecom vào Viettel còn nhiều vấn đề phức tạp. 18 tháng sau ngày tiếp nhận EVN Teleocom, Viettel đã tiếp nhận hơn 12.000 tỷ đồng tài sản, chuyển đổi gần 1 triệu thuê bao từ mạng của EVN Telecom về mạng của Viettel, trả nợ 4.500 tỷ đồng của EVN Telecom, bố trí việc làm cho 1.600 người. Nay, Viettel lại phải giải quyết bất đồng với các đối tác cũ của EVN Telecom. Đây thực sự là việc "cực chẳng đã" đối với một DN Nhà nước như Viettel!