70 năm giải phóng Thủ đô

Vinamilk 3 năm liền đứng đầu danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam

Quỳnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/7/2018, Forbes Việt Nam công bố danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam. Theo như xếp hạng này, Vinamilk tiếp tục dẫn đầu với giá trị thương hiệu đạt 2,28 tỷ USD.

Đây cũng là lần thứ 3 Vinamilk nắm giữ vị trí này, chiếm gần 30% tổng giá trị của 40 thương hiệu, tăng hơn 30% so với giá trị được xác định năm 2017 và hơn 50% so với năm 2016.
Danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam.
Từ con số 1,5 và 1,7 tỷ USD lần lượt trong các năm 2016 và 2017, sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu của Vinamilk năm nay cho thấy chiến lược phát triển bền vững và đúng đắn của DN, sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng vươn lên để giữ vững ngôi vị số 1 ngành sữa tại Việt Nam.
Với sự nhạy bén trong chiến lược kinh doanh, chú trọng đầu tư vào công nghệ sản xuất hướng đến sự phát triển bền vững của mình, từ đầu năm nay Vinamilk liên tiếp tạo nên dấu ấn trong các cuộc bình chọn uy tín của các tổ chức trong và ngoài nước. Vào tháng 4/2018 vừa qua, Vinamilk lần thứ 3 liên tiếp là công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh duy nhất tại Việt Nam được tạp chí Nikkei Asia review xếp vào danh sách 300 DN niêm yết hàng đầu Châu Á (2016 - 2018).
Ngay sau đó, tháng 5/2018, tổ chức Kantar Worldpanel đã công bố Vinamilk là thương hiệu sữa được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất tại Việt Nam trong 4 năm liên tục từ 2014 đến nay. Gần đây nhất, Vinamilk cũng vinh dự nằm trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất do Forbes Việt Nam bình chọn.
Trụ ở chính Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam.
Đây là lần thứ 3, Forbes Việt Nam thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất tại Việt Nam. Với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ USD. Danh sách lần này ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhóm DN hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của DN. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo. "Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 DN có thương hiệu, Forbes Việt Nam với sự hỗ trợ của công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình", Forbes Việt Nam cho biết.

Được biết, năm 2017, toàn ngành sữa nước của Vinamilk vẫn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường toàn quốc với hơn 50% thị phần và sản phẩm sữa tươi Vinamilk 100% đứng đầu về cả sản lượng lẫn doanh số bán ra trong phân khúc nhóm các nhãn hiệu sữa tươi từ năm 2015 đến nay (Nielsen 8/2017).
Dây chuyền sản xuất của Vinamilk tại nhà máy.
Ngoài ra, Vinamilk còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, 80% thị phần sữa đặc, 40% thị phần trong ngành hàng sữa bột. Hệ thống bán hàng của Vinamilk tỏa rộng khắp cả nước trong cả 3 hình thức phân phối là bán buôn, bán lẻ (240.000 điểm bán lẻ) và cửa hàng phân phối trực tiếp (575 cửa hàng). Sản phẩm của Vinamilk cũng có mặt ở gần 1.500 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc và kênh thương mại điện tử www.giacmosuaviet.com.vn.

Về thị trường nước ngoài, từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng). Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan... từ những nhà máy sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Mỗi năm có khoảng 8 tỷ sản phẩm của Vinamilk được sản xuất bởi 13 nhà máy trải dài khắp Việt Nam, trong đó có 2 siêu nhà máy sữa bột và sữa nước tại Bình Dương được trang bị công nghệ tiên tiến nhất thế giới với hệ thống thiết bị khép kín và tự động hóa hoàn toàn từ khâu chế biến đến thành phẩm và đóng gói, bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà máy sữa bột Việt Nam mỗi năm cho ra đời 54.000 tấn sữa bột, nhà máy sữa Việt Nam (Mega factory) đạt công suất 800 triệu lít sữa/năm.