Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong thông cáo phát đi sáng 29/11, Bộ Tài chính cho biết, qua thu thập xử lý thông tin, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã phát hiện và tiến hành điều tra vụ lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất xăng dầu tiêu thụ vào nội địa qua đường bộ để buôn lậu.
Chỉ trong tháng 7/2012, Tổng Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) đã liên tiếp mở 7 tờ khai tạm nhập - tái xuất 422.000 lít xăng Ron 92 với trị giá 8 tỷ đồng. Theo khai báo tại hồ sơ hải quan của Công ty này, sau khi tạm nhập vào Việt Nam, toàn bộ số xăng dầu trên sẽ được tái xuất qua cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) cho đối tác là Công ty TNHH cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, thay vì tái xuất lô hàng này như khai báo, doanh nghiệp cho 7 xe bồn chứa số hàng trên chạy thẳng đi các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên để tiêu thụ. Qua đó, đã trốn khoảng 2,5 tỷ đồng tiền thuế.
Thấy có nguy cơ bị phát hiện, các đối tượng đã mượn xăng của đơn vị khác để nhập lại nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý của cơ quan chức năng. Theo đó, Công ty Vinapco đã xin làm thủ tục nhập lại kho xăng dầu Đình Vũ số xăng trên, sau đó xin hủy tờ khai và chuyển tiêu thụ nội địa.
Qua điều tra xác minh, Cơ quan Hải quan đã xác định tại Trung Quốc không tồn tại Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải. Đáng chú ý, trước đó, Vinapco cũng đã mở hai tờ khai tái xuất 2.330 tấn xăng tạm nhập ngày 10/5/2012 cho Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản TP Bắc Hải theo đường biển.
Theo quy trình kiểm tra, kiểm soát, cơ quan hải quan sẽ làm thủ tục tạm nhập xăng dầu theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sau khi kiểm tra lượng hàng, hải quan sẽ làm thủ tục niêm phong, kẹp chì lô hàng tại chỗ và giám sát cho đến khi hàng về đến kho. Nếu hàng tạm nhập đựng bằng bồn téc sẽ để nguyên kẹp chì. Còn nếu cho vào bồn chứa, phía hải quan sẽ cử người giám sát quá trình trên và lập biên bản số lượng xăng nhập vào. Xuất ra cũng phải lập biên bản ngày giờ, số lượng xuất ra. Trong suốt quá trình tạm nhập tái xuất, hải quan vào sổ theo dõi lượng hàng được niêm phong. Nếu doanh nghiệp chỉ nhập hàng vào và không tái xuất thì là vi phạm, trốn thuế. Việc doanh nghiệp phá niêm phong bán hàng tạm nhập cho doanh nghiệp khác là vi phạm.
Theo Bộ Tài chính, vụ việc vi phạm của Vinapco có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức, tính chất phức tạp; có dấu hiệu cấu thành tội buôn lậu quy định tại Bộ luật Hình sự; vi phạm chính sách thuế, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước (trốn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường) và vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất, ảnh hưởng đến chủ trương bình ổn thị trường xăng dầu.
Được biết, ngày 28/11/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có quyết định khởi tố vụ án gian lận, trốn thuế tại Vinapco, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, truy tố theo pháp luật…