Mới đây, ông Bùi Ngọc Huyên - Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đã gửi một bản báo cáo lên Thủ tướng và các Bộ Ngành nhằm trình bày thực trạng bi đát của đơn vị này cũng như kiến nghị được hỗ trợ thêm về cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thực hiện giấc mơ sản xuất ô tô Việt.
Ông Huyên cho biết, trong vài năm qua, Văn phòng Chính phủ đã gần chục lần chuyển ý kiến của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đến Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu cho Vinaxuki cơ cấu lại vốn đầu tư và cho vay vốn lưu động sản xuất lắp ráp các dòng xe ô tô.
Vinaxuki được cho là ví dụ điển hình về việc DN trong nước thất bại do chính sách phát triển nền công nghiệp ô tô của Việt Nam liên tục thay đổi |
Qua 5 năm xin tái cơ cấu vốn đầu tư, sau khi được các ngân hàng cho vay vốn kích cầu đầu tư và sử dụng vốn tự có, Vinaxuki đã cho ra một số dòng xe ưu tiên và từ đầu năm 2013, DN đã xây dựng tài liệu xin tái cơ cấu và vay vốn lưu động. Tuy nhiên, sau nhiều năm các ngân hàng như Vietcombank, BIDV và VietinBank không đồng ý cho vay khoản tiền này, ông Huyên cho biết.
Hiện tại, Vinaxuki có đầy đủ đất đai, nhà xưởng và các dây chuyền máy móc hiện đại, là DN công nghiệp ô tô duy nhất làm ra các mẫu xe ưu tiên với mức nội địa hoá trên 40% ... DN chỉ xin được cứu giúp, xin được tái cơ cấu vốn, được vay vài trăm tỷ vốn lưu động để sản xuất, để đảm bảo việc làm và đời sống công nhân kĩ sư trong lúc thị trường ô tô tăng nóng 45-56% mà không được.
Với việc 5 năm qua không vay được vốn lưu động các kế hoạch kinh doanh của Vinaxuki đã đổ vỡ. Ông Huyên khẳng định, nếu giai đoạn 2012 - 2015, Vinaxuki được vay số tiền này thì đến nay DN không những trả hết nợ mà còn còn có lãi.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Vinaxuki đề xuất được vay 200 tỷ đồng vốn lưu động để vận hành nhà máy trở lại, tìm đối tác bán cổ phần, thu hồi vốn trả nợ.