Thua lỗ khi "bắt tay" với Aeon
Đầu năm 2015, DN bán lẻ Nhật Bản Aeon đã mua 30% CP Fivimart, việc DN Nhật Bản hợp tác với Fivimart được kỳ vọng sẽ giúp các chuỗi bán lẻ trong nước nâng cao thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết, mục tiêu của việc hợp tác này không chỉ vì mục đích tài chính mà Fivimart lựa chọn Aeon để cải thiện những điểm yếu của mình trong ngành bán lẻ.Sau 3 năm hợp tác, mặc dù Aeon đã giúp Fivimart và Citimart mở rộng hệ thống cũng như doanh thu tăng trưởng tốt, tuy nhiên lợi nhuận là điều khá thất vọng khi liên tục thua lỗ. Năm 2015, Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng; năm 2016, chuỗi siêu thị Fivimart đạt doanh thu 1.243 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% so với năm trước đó nhưng vẫn báo lỗ 96 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart sau 3 năm hợp tác với Aeon Việt Nam lên tới gần 200 tỷ đồng.Nguyên nhân là do biên độ lợi nhuận mỏng, trong khi phải vay nợ khá lớn. Tính đến cuối năm 2017, nợ vay của Fivimart lên tới 317 tỷ đồng. Nợ vay lớn khiến chuỗi siêu thị mỗi năm mất hàng chục tỷ đồng chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí quản lý quá cao đã gây ra khoản lỗ nặng nề. Cụ thể, chi phí quản lý mỗi năm của hệ thống Fivimart đều trên dưới 250 tỷ đồng.Đủ lực đối đầu doanh nghiệp ngoạiTheo Tổng Giám đốc VinCommerce Thái Thị Thanh Hải, thương vụ sáp nhập Fivimart là bước đi để hiện thực hóa kế hoạch mở rộng tới từng khu dân cư với 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020. Hiện sau sáp nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc.VinCommerce dự kiến kế hoạch phát triển siêu thị mới theo hướng được tăng cường các mặt hàng thực phẩm tươi sống an toàn vốn là đặc trưng của chuỗi VinMart, bổ sung thêm nhiều sản phẩm phong phú và các nhãn hàng riêng như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…
Để cạnh tranh thành công trong giai đoạn 3 và 4, các DN bán lẻ nội địa phải biết khai thác và hợp lực. Có thể xem bước hợp tác giữa Fivimart và VinCommerce là dấu hiệu hợp lực của các DN bán lẻ nội địa để thành công trong giai đoạn 3 của ngành bán lẻ. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan |
Đồng thời, VinCommerce cũng sẽ tiến hành nâng cấp mọi mặt, từ cơ sở vật chất, hàng hoá, nhân sự và thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart & VinMart+ đang thực hiện. Khách hàng thân thiết của Fivimart trước đây sẽ được chuyển đổi sang chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết VinID với hàng loạt các ưu đãi trên toàn bộ hệ thống dịch vụ của Tập đoàn Vingroup.Đánh giá về thương vụ Fivimart sáp nhập VinCommerce, chuyên gia ngành bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng: Mặc dù hiệu quả của thương vụ này phải một thời gian nữa mới thể hiện rõ, tuy nhiên điểm tích cực trước mắt sẽ làm tăng sức mạnh hệ thống phân phối của DN Việt để cạnh tranh với nước ngoài. “Cuộc hợp tác giữa hai DN bán lẻ nội địa sẽ làm tăng sức mạnh cho hệ thống phân phối hàng Việt để cạnh tranh với nước ngoài. Song song đó, các DN sản xuất hàng Việt sẽ được hưởng lợi khi đưa hàng vào đây thay vì phải phụ thuộc, chưa kể bị chèn ép bởi hệ thống phân phối ngoại” - ông Vũ Vinh Phú phân tích.Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nêu rõ: Tại các thị trường mới nổi, sự phát triển của ngành bán lẻ hiện đại trải qua 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, DN bán lẻ nội địa thiết lập và chiếm lĩnh thị trường, DN bán lẻ nước ngoài bắt đầu thâm nhập thị trường. Giai đoạn kế tiếp chứng kiến DN bán lẻ nước ngoài tăng tốc mở rộng thị trường, trong khi DN bán lẻ nội địa thụ động chờ đợi và quan sát diễn biến thị trường. Giai đoạn 3 là lúc các DN bán lẻ trong nước bừng tỉnh và tăng tốc mở rộng. Cuối cùng, DN bán lẻ nội địa chiếm lĩnh thị trường. Phân tích của các chuyên gia cho thấy, thương vụ sáp nhập của hệ thống Fivimart và VinCommerce đã đặt những viên gạch đầu tiên cho DN bán lẻ Việt Nam giành lại thị phần trên thị trường nội địa.