Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vinh danh bằng chứng chủ quyền biển đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi vì, di sản tư liệu này không chỉ nằm ở tầm quốc gia nữa mà đã tỏa sáng để được tôn vinh trên phạm vi thế giới.

Bà Katherine Muller Marin - đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá: "Di sản châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu phản ánh nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… của Việt Nam từ năm 1802 - 1945. Nội dung nhiều bản châu bản cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam về phát triển giáo dục, giao lưu văn hóa, bảo vệ chủ quyền".
 
Đại biểu xem trưng bày tư liệu châu bản triều Nguyễn.
Đại biểu xem trưng bày tư liệu châu bản triều Nguyễn.

Theo nghiên cứu mới nhất của GS Phan Huy Lê, hiện nay, trong kho châu bản triều Nguyễn có 773 tập, 85.000 đơn vị châu bản, trong đó có tới 19 tờ liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa. "Phân tích riêng 19 tờ châu bản này, tôi nhận thấy nội dung phản ánh hết sức rõ ràng về cách thức quản lý, chủ quyền của triều Nguyễn đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Triều Nguyễn đã nâng tầm quản lý hai quần đảo này lên vị trí cao nhất (không do địa phương quản lý mà do triều đình quản lý)... Và qua rất nhiều nghiên cứu khác, tôi có thể khẳng định, châu bản triều Nguyễn là văn bản hành chính quốc gia cao cấp, có giá trị lịch sử, pháp lý không thể tranh cãi được về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa" - GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy giá trị, cũng như việc kéo dài tuổi thọ của tư liệu đang là vấn đề quan trọng đặt ra đối với di sản này. Năm 1991, khi được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiếp nhận, châu bản triều Nguyễn đang trong tình trạng hư hỏng rất nặng. Hầu hết các châu bản đều bị ngấm nước, mối mọt, hơn 50% bị kết dính. Nhưng sau hơn 20 năm, Trung tâm Lưu trữ gần như hoàn thành chương trình "cứu nguy". Hiện nay, 773 tập châu bản đã được bảo quản cẩn thận và chỉ còn 3.000 tờ châu bản đang trong tình trạng bị kết dính.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn cố đô Huế nhận định: "Bên cạnh niềm vui vinh danh, đang có những thách thức lớn đặt ra đối với di sản. Bởi vì, vấn đề lớn của châu bản không nằm ở công tác lưu trữ mà ở việc chuyển tải giá trị đến đông đảo người Việt Nam và giới nghiên cứu. Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu Hán Nôm, có khoảng cách rất lớn cho những người đương đại, trừ nghiên cứu đặc biệt có chuyên môn về lĩnh vực này". Ông Hải kiến nghị, cần xây dựng chương trình số hóa châu bản để các viện nghiên cứu, sinh viên chuyên ngành... dễ dàng tiếp cận; cùng với đó là sau khi được chuyển sang tiếng Việt phải có cách chuyển tải phổ cập, phân loại sắp xếp cho hợp lý.  

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang xây dựng các cơ sở dữ liệu để tra cứu tư liệu châu bản mới có dịch từ tiếng Nôm sang tiếng Việt, xây dựng website riêng, từng bước giới thiệu tuyên truyền về châu bản trên internet; trưng bày, xuất bản sách, triển lãm tuyên truyền giới thiệu nội dung trong châu bản... Và một nhiệm vụ cũng như mong đợi của các nhà khoa học đặt ra với cơ quan quản lý châu bản là hoàn thành thủ tục để đưa châu bản triều Nguyễn thành di sản tư liệu Ký ức thế giới của toàn cầu chứ không chỉ di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 
Ngày 14/5, tại Quảng Châu (Trung Quốc), châu bản triều Nguyễn của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu châu Á - Thái Bình Dương. Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thứ tư của Việt Nam được UNESCO công nhận, sau mộc bản triều Nguyễn (2007), 82 bia đá tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010) và mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012).