Quy mô lớn
Năm 2012 là năm thứ 8 Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Giải thưởng sách Việt Nam. Đây cũng là năm thứ hai Hội thực hiện Đề án Giải thưởng sách Việt Nam giai đoạn 2 (2011-2015) với việc mở rộng phạm vi xét giải sang cả thể loại văn học và sách dịch.
Tham gia Giải thưởng sách Việt Nam 2012 có 35 nhà xuất bản (NXB) với tổng số 273 cuốn, trong đó có 110 cuốn sách đẹp và 163 cuốn sách hay. Đặc biệt, nhiều cuốn sách được các NXB đăng ký dự xét giải cả sách đẹp và sách hay.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải Vàng Sách hay cho các tác giả. Ảnh: Ma Đạt
Sau 4 tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội đồng xét giải đã chọn được 48 giải Sách hay gồm: 5 giải Vàng, 14 giải Bạc, 16 giải Đồng, 13 giải Khuyến khích. Hội đồng cũng trao 46 giải giải Sách đẹp gồm: 1 giải đặc biệt, 4 giải Vàng, 9 giải Bạc, 12 giải Đồng, 15 giải Khuyến khích, 4 giải Bìa đẹp.
Số lượng NXB tham dự tương đương với giải năm 2011, đạt trên 60% trên tổng số các NXB có đủ điều kiện tham gia giải. Đáng chú ý là một số NXB mới thành lập, lần đầu tham gia Giải nhưng đã đoạt giải như NXB Dân trí. Tuy vậy, Giải năm nay vẫn còn thiếu vắng một số NXB lâu năm như: Thanh niên, Lao động, Văn hóa dân tộc, Giao thông vận tải, Xây dựng…
Chất lượng cao
Số liệu kết quả vòng sơ khảo cho thấy mùa giải năm nay có nhiều sách chất lượng hơn so với năm 2011. Những cuốn sách được đề nghị giải Vàng đều là tác phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn.
Bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” gồm 2 tập chính sử và được bổ sung, minh họa bằng 2 tập sách: “Bên niên lịch sử Nam Bộ kháng chiến” và “Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam Bộ kháng chiến” với trên 5.000 trang khổ lớn đã phác họa một thời kỳ lịch sử hào hùng của Nam Bộ từ năm 1945 đến 1975. Đây là một công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc với một khối lượng tư liệu phong phú, đa dạng, có độ tin cậy, trong đó có nhiều tư liệu mới, tư liệu gốc được các tác giả sưu tầm tù nhiều nguồn khác nhau.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh (bên phải) chúc mừng nhà văn Xuân Thủy ( bêntrái). Ảnh: Ma Đạt
Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Kiểm, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng xét giải nhận định: “Cuốn “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” của nhà văn Xuân Thủy là một tác phẩm văn học thiếu nhi phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.
Đã có những năm tháng sống, công tác ngoài quần đảo Trường Sa, bằng tài năng và tình yêu biển đảo, yêu các em nhỏ của, nhà văn Xuân Thủy dường như “gói trọn” cả Trường Sa vào cuốn sách nhỏ làm quà tặng cho các em thiếu nhi.
Các cuốn sách công cụ như: “Từ điển Việt Anh”, “Từ điển giáo khoa sinh học”, “Cẩm nang tra cứu nhanh thuốc” đều là những tác phẩm được biên soạn công phu, có nhiều sáng tạo, cập nhật hiện đại và có giá trị thực tiễn cao.
Ngoài các cuốn sách được đề nghị giải Vàng, tác phẩm được đề cử giải Bạc cũng đề là những cuốn sách được biên soạn dịch thuật công phu, có giá trị lý luận và thực tiễn..
Bìa sách trang trọng, lịch lãm
Sách đẹp dự thi của năm 2012 về cơ bản giữ được nhịp độ của những năm trước với 110 đầu sách của 32 NXB. Nguyên liệu giấy, mực in có chất lượng đồng đều, kỹ thuật ấn loát tốt, công nghệ vào bìa, đóng xén gọn ghẽ, chính xác. Tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập” đạt giải Đặc biệt và 4 tác phẩm đề cử giải Vàng gồm: “Sinh học”, “Điêu khắc TP. HCM 1975-2010”, bộ sách “Những con vật bầu bạn trẻ thơ”, “Trịnh Công Sơn – thư tình gửi một người” được xem là đã hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn của một cuốn sách đẹp.
Một số tác phẩm đạt giải cao. Ảnh: Ma Đạt
Các bộ sách, tủ sách nhiều tập của NXB Kim Đồng, Giáo dục, Trẻ được trình bày công phu, đảm bảo thống nhất phong cách, chú ý đến các chi tiết trên gáy sách, mép gấp, tờ lót… hợp lý.
“Từ việc trình bày bìa đến các trang nội dung. Sự kết hợp phần chữ với phần hình ảnh hoặc sử dụng các kiểu chữ tiêu đề các đề mục lớn nhỏ trên trang sách hợp lý làm cho nghệ thuật trình bày sách được nâng lên rõ rệt. Đây là những tác phẩm mà ngay trên bìa sách tạo được cảm tình của độc giả. Màu sắc không quá ồn ào, bố cục hình nét đơn giản không rườm rà, chọn được kiểu chữ, cỡ chữ phù hợp với nội dung sách. Tất cả toát lên vẻ trang trọng, lịch lãm không rơi vào dễ dãi, tầm thường” – nhận xét của PGS.TS. Vũ Khắc Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ủy viên Hội đồng xét giải cho biết.