Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vitas "than" khó, kiến nghị ngừng tăng lương tối thiểu vùng, giảm phí cảng biển

theo baaodautu.vn
Chia sẻ Zalo

Vitas kiến nghị Nhà nước nghiên cứu ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất…

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một loạt vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, thuế…

Theo đó, Vitas cho rằng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng năm 2017 của ngành ước đạt 14,1 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016.
 Dệt may, ngành đặc thù sử dụng nhiều lao động gặp khó vì chính sách tăng lương, bảo hiểm.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt mức cao nhất 5,79 tỷ USD, tăng 7%, sang EU đạt 1,69 tỷ USD, tăng 5,2%; sang thị trường Nhật Bản đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 10,7%, sang Hàn Quốc đạt 1,02 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Vitas cho rằng, hiện nay ngành vẫn gặp một số khó khăn kéo dài, hoặc tháo gỡ không được triệt để nên kiến nghị Chính phủ tiếp tục giải quyết.

Cụ thể, Vitas Chính phủ xem xét đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) để khuyến khích sử dụng vải sản xuất trong nước nhằm bình đẳng với vải nhập khẩu để gia công xuất khẩu.

Đặc biệt, Vitas kiến nghị Nhà nước nghiên cứu ngừng tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và xem xét điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm về mức hợp lý để doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất giải quyết việc làm cho các vùng nông thôn, miền núi.

Hiện nay, Nhà nước đã giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp về 0,5% (trước là 1%) và đang xem xét giảm 0,5% (hiện 1%) vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp và người lao động, song tỷ lệ đóng BHXH còn quá cao so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động năm 2012 đang có rất nhiều bất cập gây khó khăn cho doanh nghiệp, ví dụ như quy định về làm thêm giờ, về trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, về tiền lương tối thiểu, về an toàn vệ sinh lao động, về kỷ luật lao động... Đề nghị Nhà nước đẩy nhanh quy trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Vitas kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo UBND TP Hải Phòng sớm thực hiện Công văn số 5036 về thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Hải Phòng rà soát, tính toán lại cho hợp lý, giảm phí cảng biển phù hợp sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Được biết, đây không phải lần đầu Vitas kiến nghị Thủ tướng về chính sách lương, bảo hiểm. Đầu năm 2016, Vitas đưa ra 5 kiến nghị đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó cho hay cần kéo giãn lộ trình tăng lương tối thiểu, cần ổn định cơ chế chính sách từ thuế, hải quan, lao động, tiền lương, BHXH, BHYT minh bạch, rõ ràng để doanh nghiệp yên tâm kinh doanh.

Với mức tăng 7,3% lương tối thiểu vùng năm 2017, ngành dệt may cho rằng, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng thêm 2,9%. Vitas vẫn tiếp tục kiến nghị với Chính phủ giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hàng năm.

Đồng thời, Vitas cũng đề nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm.

Trước đó, trả lời về chính sách tăng lương ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Vitas cho hay, quan điểm của đại diện Vitas nếu được, vẫn nên tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng trong 1-2 năm để doanh nghiệp lấy sức, thay vì tăng liên tục như hiện nay.

Trong vòng 10 năm qua từ năm (2007-2017), bình quân hàng năm Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở mức 21,8% đối với doanh nghiệp trong nước và tăng 15% đối với doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, phải loay hoay tìm giải pháp ứng phó như giảm tiền lương mềm.

Chưa kể, việc tăng lương tối thiểu liên tục còn làm giảm khả năng cạnh tranh đầu tư, ảnh hưởng đến thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, doanh nghiệp không có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động không có việc làm.