Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index nhảy múa liên tục: Bắt đáy hay thoát lỗ?

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong mấy ngày gần đây trước biến động khó lường của điểm số VN-Index. Nêu gom hàng hay thoái hàng là câu hỏi không dễ tìm được lời giải đáp trong bối cảnh hiện nay?

Khách hàng giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Diễn biến khó lường
Thực tế trên thị trường chứng khoán, điểm số Vn-Index từ ngày 2/7 đến ngày 16/7 “nhảy nhót” liên tục. Sau khi lập “đỉnh” vào ngày 2/7, VN-Index đã bị sụt giảm “khủng” trong 2 ngày tiếp theo (ngày 5/7 giảm 9,14 điểm, ngày 6/7 giảm 56,34 điểm, cộng 65,48 điểm). Ngày 7/7 “le lói” niềm hy vọng, khi tăng khá (33,76 điểm) nhưng VN-Index đã giảm liên tiếp trong 3 ngày với mức giảm nhiều hơn và cao lên. Cụ thể, ngày 8/7 giảm 13,87 điểm, ngày 9/7 giảm 27,54 điểm, ngày 12/7 giảm 50,84 điểm, cộng 3 ngày giảm 92,25 điểm. Đến ngày 13/7 tăng “an ủi” 1,24 điểm nhưng sang ngày 14/7 lại bị giảm sâu 17,63 điểm. Ngày 15 và 16/7 tăng trở lại (14,01 điểm và 5,39 điểm, cộng 19,40 điểm); nhưng ngày 19/7 lại giảm khủng (55,8 điểm). Ngày 20/7 tăng khá (29,78 điểm), đã “thắp lại” niềm tin ít nhiều, thậm chí đã xuất hiện một vài khuyến cáo “bắt đáy” không phải không có lý do.

Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều ngày chủ yếu mua ròng (từ ngày 10/6 đến ngày 2/7, có tới 12/17 ngày mua ròng, với mức mua vào 31.434 tỷ đồng, bán ra 27.659 tỷ đồng, tính ra mua ròng 3774,34 tỷ đồng. Trong 7 ngày (từ 5 - 13/7), có 3 ngày mua ròng, có 4 ngày bán ròng 3799,49 tỷ đồng, nhưng hai ngày 14 và 15/7 đều mua ròng; với tỷ lệ mua vào 4742,83 tỷ đồng, bán ra 3679,88 tỷ đồng, tính ra mua ròng 1062,95 tỷ đồng. Tuy giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường, nhưng xu hướng mua hay bán ròng của họ cũng có tác động đến các nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư F0, những nhà đầu tư bằng số vốn vay…

Nhà đầu tư cần quan tâm gì?

Diễn biến VN-Index trong 2 tuần qua khiến các nhà đầu tư đứng ngồi không yên và “phân vân” trong việc lựa chọn “gom hàng bắt đáy” hay “thoái hàng cắt lỗ”? Một số chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư khi tham gia thị trường chứng khoán tới đây cần lưu ý các vấn đề sau.

Thứ nhất, đối với toàn bộ thị trường chứng khoán: VN-Index ngày 20/7 đã tăng khá (29,78 điểm), tuy nhiên so với kỷ lục ngày 2/7 vẫn còn thấp hơn 146,98 điểm hay giảm 10,3%. Đây là mức giảm lớn hiếm thấy trong nhiều tháng trước đây. Đặc biệt, VN-Index ngày 20/7 vẫn còn tăng 15,3% so với cuối năm 2020, một tốc độ tăng khó có kênh đầu tư nào sánh được. Mức giảm lớn và điểm ở mức sâu trước ngày 20/7 lại gợi ra vấn đề khó có thể giảm lớn và ở mức sâu hơn nữa. Bởi điểm chứng khoán thường diễn biến theo hình SIN, tức là xét về thời gian, sẽ có một số ngày tăng, một số ngày giảm (thống kê lịch sử từ 20/4 đến nay, số ngày tăng liên tục trong 17 đợt là 38 ngày, bình quân một đợt là 2,2 ngày; số ngày giảm liên tục trong 16 đợt là 22 ngày, bình quân một đợt là 1,3 ngày). Theo đó, số ngày tăng nhiều hơn số ngày giảm; số ngày tăng liên tục dài nhất có 2 đợt lên tới 6 ngày; số ngày giảm liên tục dài nhất có một đợt chỉ có 3 ngày. Ngoài ra, chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn tiếp tục nới lỏng, lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng, giá nhập khẩu tăng, ở trong nước, một số gói hỗ trợ kích thích tiếp tục được thực hiện... Do đó, nhà đầu tư không nên xả hàng cắt lỗ bởi có thể lỡ thời cơ; nhưng cũng không nên vay mượn để gom hàng bắt đáy có thể bị lỗ kép: lỗ do điểm xuống, lỗ do trả lãi vay mượn.

Thứ hai, có chiến thuật chơi, với “lý thuyết” của nhiều người vẫn thắng mặc dù tổng điểm của thị trường giảm. Cụ thể, chọn mã để đầu tư trên cơ sở xu hướng của các nhóm ngành từng thời kỳ, nghiên cứu kỹ hơn về sự lên, xuống của các mã này; trên cơ sở nguồn lực của nhà đầu tư. Những người ít tiền thì nên chọn mã có giá thấp và trung bình, tuy mức lãi, lỗ không lớn nhưng đỡ bị sốc và dễ xoay chuyển. Những người có vốn lớn thì có thể chọn mã có giá trị cao, lãi cũng cao nhưng lỗ cũng lớn,…

Nhà đầu tư không nên chọn quá nhiều mã, mà nên chọn 2 - 3 mã. Lập nhật ký để theo dõi chu kỳ bình quân trong 1 năm (số ngày tăng, giảm của từng mã số đã chọn. Khi mã 1 tăng giá, nếu số ngày tăng chỉ còn cách số ngày tăng theo chu kỳ 1 ngày thì nên bán. Khi mã 2 xuống giá, nếu số ngày xuống còn 1 ngày giảm theo chu kỳ bình quân thì có thể “bắt đáy”. Mã thứ 3 để đề phòng 1 trong 2 mã trên gặp rủi ro.