Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VN-Index tăng mạnh dù chịu áp lực chốt lời

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với nhịp tăng mua sôi động phiên trước, ngày 26/1 thị trường chứng khoán đã có thời điểm rung lắc mạnh do lực bán chốt lời. Tuy nhiên, cuối phiên VN-Index vẫn giữ được đà tăng điểm.

Phiên sáng rung lắc mạnh
Mới vào đầu phiên giao dịch 10 phút, nhà đầu tư đã hoảng hốt do VN-Index lao dốc mất hơn 20 điểm so với khi mở cửa. Sau 1 phiên hưng phấn mua vào, ngay đầu phiên nhà đầu tư đã gia tăng lực bán. Hầu hết các cổ phiếu lớn đều bị chốt lời ngay đầu phiên, khiến cho nhóm VN30 quay đầu giảm giá sâu.

Nhóm cổ phiếu rơi mạnh ngay đầu phiên lại là mã có vốn hao lớn trên thị trường, như: ROS, VJC, MSN, PLX, SAB … Hầu hết các mã này đều giao dịch dưới giá tham chiếu. Đặc biệt, mã VJC trước đó 2 phiên tăng trần và lúc mở cửa phiên sáng 26/1 vẫn giữ giá ở sắc tím, nhưng khi thị trường lao dốc thì mã này cũng xuống không phanh do đà bán vượt trội. Sau 30 phút giao dịch mức giá của VJC giảm 4,3% xuống 191.000 đồng/cổ phiếu.
Các ''ông lớn'' dẫn dắt thị trường, VN-Index giữ được sắc xanh. Ảnh minh họa.
Phiên sáng đã làm sàn HNX rung lắc mạnh. Kết thúc phiên, HNX-Index giảm 0,28 điểm, tương đương tỷ lệ giảm 0,22% điểm, xuống 126,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 42,84 triệu đơn vị, giá trị khớp hơn 686 tỷ đồng, giảm 22,74% về lượng và giảm 28,83% về giá trị so với phiên sáng 25/1.

Tuy nhiên, nhìn tổng quan thị trường VN-Index vẫn tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nhanh chóng lấy lại cân bằng nhờ. Các mã BID, VCB, STB, VPB mặc dù không tăng trần như phiên trước, nhưng vẫn giữ được sắc xanh. BID sau khi thị trường đẩy mạnh nhịp mua lại vượt lên tăng trần. Những mã lớn dẫn dắt thị trường giữ được VN-Index ở trên mốc 1.100 điểm và VJC cũng không rơi sâu thêm.

Tăng ấn tượng phiên sáng phải kể đến cổ phiếu BID, với mức tăng trần 6,9% lên mức 32.5 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng khớp hơn 5,3 triệu đơn vị. Lượng mua trần vẫn dư 1,27 triệu đơn vị. Lực mua ở cả nhà đầu tư “nội”, “ngoại”.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 13,39 điểm, tương đương tăng 1,21% điểm, lên mức 1.117,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 162,6 triệu đơn vị, với giá trị khớp lệnh trên 5.111 tỷ đồng, giảm mạnh 47,78% về lượng và 41,61% về giá trị so với phiên sáng qua.

Dòng tiền vẫn rót vào mã lớn

Vẫn giữ nhịp bán chốt lời gia tăng, đầu phiên chiều trên bảng điện tử có vẻ nghiêng về sắc đỏ. Không chỉ có những cổ phiếu lớn mà các cổ phiếu nhỏ cũng tăng lực bán. Sau khoảng 1 giờ giao dịch VN-Index đã rơi điểm về sát mốc 1.110 điểm.

Tuy nhiên, các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng vẫn được mua tăng khớp lệnh ở mức giá cao đã giữ cho thị trường tiếp tục ghi điểm.

2 cổ phiếu trong nhón BID và MSN vẫn giữ được mức giá trần từ đầu phiên sáng đến khi kết thúc phiên chiều. Trong đó BID có mức giá đóng cửa là 32.500 đồng/cổ phiếu, tăng 6,9%, khối lượng khớp lệnh trên 5.677 triệu đơn vị.

VNM đã đảo chiều tăng điểm hỗ trợ tích cực cùng các cổ phiếu khác sau phiên hôm qua giảm mạnh. Với mức tăng 2,3%, VNM đóng cửa tại mức giá 211.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 672.410 đơn vị.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh phiên hôm nay còn kể đến MBB tăng hơn 6% lên sát mức giá trần 31.500 đồng/CP và khớp lệnh với khối lượng 8,72 triệu cổ phiếu. VCB cũng tăng hơn 2% lên mức 69.100 đồng/CP và khớp với khối lượng 2,62 triệu đơn vị. CTG tăng hơn 2% lên mức 27.300 đồng/CP và khớp lệnh 8,63 triệu đơn vị. STB tăng gần 2% lên mức 15.700 đồng/CP. Cổ phiếu này đã dẫn đầu sàn về thanh khoản với 22,85 triệu đơn vị.

Cùng với nhóm ngân hàng. cổ phiếu GAS mặc dùng không còn ở sắc tím như hôm trước, nhưng phiên 26 vẫn tăng 2,7% giá, đóng cửa tại mức 116.400 đồng/CP.

Như vậy, dù bị bán chốt lời, nhưng các cổ phiếu lớn vẫn có sức hấp dẫn dòng tiền khiến các nhà đầu tư quan tâm. Đặc biệt, khối ngoại tiếp tục mua ròng các mã lớn, cả về khối lượng và giá trị, như: GAS, VRE, VIC, PLX, VNM, VJC …Tổng khối ngoại đã mua ròng trên 2 sàn đạt hơn 10,85 triệu đơn vị, giá trị khớp lệnh trên 459 tỷ đồng.

Kết thúc phiên cuối tuần, VN-Index tăng 11,07 điểm, tương đương với tăng tỷ lệ 1% lên mức 1.115,64 điểm. Khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 289,97 triệu đơn vị, với giá trị khớp lệnh đạt trên 9.145 tỷ đồng, giảm hơn 43% về khối lượng và giảm 35,85% về giá trị so với phiên hôm trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt gần 32 triệu đơn vị, giá trị 1.739,75 tỷ đồng.