Trong đó, doanh thu Công ty mẹ đạt 45.730 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, bằng 101,4% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng bằng 100,1% kế hoạch, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 10,9%, đạt 100% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2018.
Ảnh minh họa |
Về phát triển dịch vụ, VNPT cũng tạo bước đột phá trong việc phát hành gói cước Combo (bao gồm 3 dịch vụ: di động, băng rộng, MyTV) phù hợp với nhu cầu, hành vi tiêu dùng của từng nhóm đối tượng, dựa theo phân khúc khách hàng.
Qua đó, dịch vụ MyTV có sự tăng trưởng đột phá về thuê bao phát triển mới, với hơn 750.000 thuê bao, tăng 210% so với thực hiện năm 2018. Tổng số thuê bao phát sinh cước ước tính đạt hơn 1,63 triệu thuê bao tăng 152% so với năm 2018.
Cũng trong năm 2019, VNPT đã giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT, thương hiệu VinaPhone. Thương hiệu VNPT đã vươn lên vị trí thứ 2 trong Top 10 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, thương hiệu VinaPhone cũng duy trì đứng thứ 7 trong Top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
Tập đoàn VNPT trở thành doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có 2 thương hiệu nằm trong Top 10 thương hiệu lớn nhất. VinaPhone là nhà mạng duy nhất có số thuê bao chuyển đến lớn hơn so với số thuê bao chuyển đi gần 60.000 thuê bao. Điều đó đã minh chứng được vị trí của VinaPhone trên thị trường.
Cùng với đó, VNPT tiếp tục nghiên cứu phát triển và cho ra đời các sản phẩm đầu cuối mới đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tổng giá trị sản phẩm công nghiệp nội địa do VNPT tự chủ sản xuất, không phải nhập khẩu đạt hơn 8.000 tỷ đồng.
Kết quả này khẳng định năng lực của VNPT trong sản xuất thiết bị công nghệ công nghiệp, đảm bảo an ninh thông tin, đồng thời tăng tính chủ động của VNPT trong phát triển mạng lưới. Đặc biệt, giữa năm 2019, VNPT đã khánh thành nhà máy sản xuất sợi quang công nghệ cao đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á với công suất thiết kế lên tới 3,2 triệu km sợi quang/năm.
Trong các hoạt động ra quốc tế, liên doanh Stream Net tại Myanmar đã bước vào năm hoạt động thứ 2 với doanh thu ước đạt 561.000 USD. VNPT cũng triển khai thành công giải pháp E-Office cho Văn phòng Chính phủ và Bộ Bưu chính viễn thông Lào, bước đầu đưa các dịch vụ số của Tập đoàn ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, nhiều thiết bị và giải pháp đã được VNPT cung cấp tại các thị trường mới như: Nepal, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Lào, Bangladesh... Các hoạt động này tạo đà để VNPT đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư ra nước ngoài trong những năm tiếp theo.
Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương đầu tháng 12/2019. Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 05 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh/TP, 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ. Đầu năm 2020, Chính phủ sẽ tích hợp thêm 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt. Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, việc đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào hoạt động sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, con số này sẽ tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh, thành.
VNPT đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm. VNPT cũng triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh, thành, đồng thời đã triển khai VNPT-HIS đến gần 55% cơ sở y tế và gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu...