Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vô cảm với giá xăng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng dầu có tổng cộng 12 lần giảm giá với mức giảm là 7.750 đồng/lít (giảm hơn 30%).

Bất chấp xu hướng giảm mạnh của giá xăng dầu thời gian qua, giá các loại hàng hóa vẫn "giậm chân tại chỗ", hoặc chỉ giảm giá nhỏ giọt không tương xứng.

Đến thời điểm này, mức giảm sâu nhất của các hãng taxi cũng chỉ khoảng trên dưới 1.000 đồng/km tùy từng loại xe. Đợt giảm giá xăng lần này chưa công ty taxi nào đưa ra hướng giảm giá mới. Các DN vận tải vẫn... còn đang tính, với nhiều lý do được đưa ra như, cần phải có lộ trình mới có mức giảm giá cước, giá vé phù hợp. Và khi cước vận tải chần chừ giảm thì đương nhiên, giá các loại hàng hóa khác cũng có thể vin cớ không giảm.

 
Hình minh họa
Hình minh họa
Về nguyên tắc, giá xăng dầu (chủ yếu là xăng) giảm sẽ kéo giảm chi phí đầu vào của DN, qua đó giúp giá hàng hóa, dịch vụ giảm theo. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại không phải vậy. Vấn đề khiến giá xăng dầu dù giảm rất sâu nhưng không tác động được đến giá cả thị trường nói chung được giới chuyên gia cho là do hiệu năng quản lý Nhà nước về giá chưa mạnh, các cơ quan liên quan thực hiện công tác bình ổn giá chưa quyết liệt, trước hết là phải kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, vận tải, giá các dịch vụ khác liên quan trực tiếp đến xăng dầu. Mới đây, động thái mạnh mẽ nhất vừa được các cơ quan chức năng đưa ra sau khi giá các loại hàng hóa, nhất là vận tải không chịu giảm hoặc giảm không tương xứng khi giá xăng dầu giảm sâu đó là "DN nào không giảm giá hàng hóa, dịch vụ phù hợp theo đúng quy luật giảm giá xăng dầu sẽ bị phạt"…

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến vận hành theo cơ chế thị trường, để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh một cách bình đẳng. Trong khi Nhà nước đang tiến tới hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành giá, can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN. Nhưng lúc này, chính bản thân nhiều DN  đã không tuân thủ quy luật của thị trường.

Chỉ còn 2 tháng nữa đến Tết nguyên đán, hàng ngày các phương tiện truyền thông vẫn liên tục phản ánh sức mua yếu, tồn kho nhiều, DN than khó khăn. Song rõ ràng sức mua kém nhưng giá vẫn cao vời vợi, túi tiền của người dân "lép", giá cả không giảm thì họ cũng không thể mạnh tay chi tiêu, cơ hội để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng là không có. Rõ ràng, trước khi các cơ quan chức năng dùng biện pháp mạnh, các thành phần DN cần xem xét đạo đức kinh doanh của mình khi chậm giảm giá hơn so với việc tăng giá. Giải quyết khó khăn, hàng tồn kho, trước tiên DN hãy tự cứu mình, tự giác tiết giảm chi phí để giảm giá thành, kích thích sức mua.

T.A