Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vợ chồng lo cứu hơn 200 người, trở về trắng tay

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu chuyện cứu người trong hiểm nguy của anh Phương giản dị như một chuyện đời thường.

KTĐT - Câu chuyện cứu người trong hiểm nguy của anh Phương giản dị như một chuyện đời thường. Anh kể: “Có trường hợp nước lên ngập nóc, nhiều gia đình toàn phụ nữ và trẻ em, chân yếu tay mềm, chỉ biết kêu cứu chứ không thể phá dỡ mái nhà thoát ra. Lại có nhà đổ mái bằng, nước ngập đã cao quá cửa vào, tôi phải đập vỡ cửa kính kéo người ra”.

“Tối đó, nước trên núi đổ xuống, tôi và vợ vội gửi con cho người thân rồi chèo thuyền đi cứu những người trong xóm. 11 giờ đêm tôi quay về nhà đưa mẹ vợ và cháu gửi sang thuyền lớn rồi lại lên thuyền đi cứu người đến 10 giờ sáng hôm sau”.

Anh Nguyễn Thanh Phương (35 tuổi), anh Hoàng Văn Ninh (33 tuổi) và anh Lê Văn Điệp (28 tuổi)ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là 3 người đàn ông đã dũng cảm vượt qua lũ dữ cứu hàng trăm người thoát nạn trong đợt lũ lịch sử hồi tháng 10 ở miền Trung. Mải miết lo cứu người, đến khi trở về nhà thì họ chỉ còn thấy trơ lại nền, cả ngôi nhà đã bị lũ cuốn trôi.

 

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Phương tại thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch. Anh Phương bảo năm nào Sơn Trạch cũng có lũ lụt nhưng không có năm nào lụt to như năm nay.

 

“Hôm đó tối 4/10, nước trên núi đổ xuống, tôi biết thể nào cũng có lũ, nhà ở vùng thấp giáp sông Son nên tôi và vợ tôi là Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi) liền gửi con cho người thân. 10 giờ tối đó nước lên ngập mái nhà, tôi và Cúc chèo thuyền của nhà đi cứu những người trong xóm Cổ Lạc 1.

 

11 giờ đêm đó tôi quay về nhà đưa mẹ vợ và cháu gửi sang thuyền lớn để chuyển đến chỗ cao thì nhà đã ngập không nhìn thấy nữa, chúng tôi lại lên thuyền đi cứu người tiếp đến 10 giờ sáng hôm sau” - anh Phương nhớ lại.

 

Câu chuyện cứu người trong hiểm nguy của anh Phương giản dị như một chuyện đời thường. Anh kể: “Có trường hợp nước lên ngập nóc, nhiều gia đình toàn phụ nữ và trẻ em, chân yếu tay mềm, chỉ biết kêu cứu chứ không thể phá dỡ mái nhà thoát ra. Lại có nhà đổ mái bằng, nước ngập đã cao quá cửa vào, tôi phải đập vỡ cửa kính kéo người ra”.
 
Ảnh minh họa
Bằng con thuyền gỗ nhỏ này, anh Phương (áo cam) đã cứu sống gần 200 con người.

 

Mải miết và khẩn trương như thế, suốt từ đêm 4/10 cho đến ngày hôm sau, anh Phương cùng những người bạn của mình đã cứu được hàng chục hộ gia đình đang nguy khốn vì nước lũ.

 

Khi đã tạm xong việc cứu người, anh mới trở về nhà mình thì lúc này ngôi nhà đã không còn nữa; đồ đạc trong nhà cũng bị nước cuốn trôi; chỉ còn trơ khấc cái nền nhà.

 

Hỏi sao không lo cứu đồ đạc, cứu nhà mình trước? anh Phương không ngần ngại trả lời: “Khi thấy nước dâng lên gần đến mái nhà là tôi biết nhà của nhiều người cũng sẽ bị ngập như nhà tôi. Tôi thấy cứu nhà mình cũng rất quan trọng nhưng việc cứu tính mạng bà con còn quan trọng hơn nhiều; bởi mình còn có thuyền đi lại được, chứ nhiều người ko có thuyền nên khi nước dâng lên nhanh, bà con sẽ bị cô lập, thậm chí ảnh hưởng đến cả tínhmạng”.

Nghĩ lại cái đêm kinh hoàng đó, khi con thuyền gỗ nhỏ của anh có lúc chở tới cả chục người, mỏng manh giữa dòng nước xiết, anh Phương vẫn cảm thấy không tin nổi sao lúc đó anh lại có thể chèo chống vượt qua. Gần 200 người được anh cứu hôm đó cũng nhờ con thuyền gỗ nhỏ bé ấy.

 

Lũ qua rồi, giờ anh Phương lại có mối lo khác: nhà anh không còn, vợ con anh đang không có nơi ăn chốn ở, các con anh không còn quần áo và sách vở,… Cuộc sống xưa đã khốn khó, nay càng nghèo đói hơn.

 

Hiện vợ chồng anh Nguyễn Thanh Phương và chị Nguyễn Thị Cúc lại tiếp tục bươn chải mưu sinh bằng con thuyền nhỏ trên sông Son mỗi ngày. Lặn lội với sông nước tích cóp, không biết bao giờ đôi vợ chồng nghĩa hiệp ấy mới dựng lại được ngôi nhà nhỏ cho mình!