KTĐT - "Vợ tôi cũng hay than thở về chuyện mang 100.000 đồng ra chợ không biết mua cái gì. Tôi bảo trong 100.000 đồng ấy, bà và mọi người phải tính toán cho phù hợp", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết.
- Tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2011 liệu sẽ có điểm gì khác so với năm 2010?
- Năm ngoái, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế đều doãng ra ở mức tương đối rộng. Năm nay kết hợp chủ trương điều chỉnh tăng giá của một số vật tư cơ bản, cộng với quản lý và tâm lý xã hội theo hướng không tích cực, khó khăn có thể ngang bằng hoặc nhiều hơn 2010.
Nếu không có biện pháp kiên quyết và chỉ đạo thường xuyên trong cả năm thì tình hình giá cả và lạm phát là thử thách rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội. Tôi nói như vậy là bởi rút kinh nghiệm của năm 2010. Trong 9 tháng đầu tiên tình hình tương đối khả quan, nhưng sang đến quý 4 mình hơi lơi lỏng, đặt niềm tin vào xu hướng chung nên chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát tăng cao.
- Gần đây, Chính phủ đã thực hiện một số điều chỉnh như nâng lại lãi suất chủ chốt, xác định lại mục tiêu tăng tín dụng, chi tiêu công... Liệu đây có phải là một thông điệp cho thấy cơ quan quản lý đang "chấp nhận tổn thương" để giảm lạm phát?
- Tôi không dự cuộc họp của Chính phủ vừa rồi nên không biết được như thế nào là "chấp nhận tổn thương". Tuy nhiên, để chỉ số giá, lạm phát tăng gần gấp đôi tăng trưởng kinh tế là một thách thức trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ mục tiêu của năm 2011.
Bởi trước hết là đối với các ngân hàng thương mại, họ phải thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Trong điều kiện chỉ số giá lạm phát tăng cao chắc chắn khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mà khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì chắc chắn ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc làm, đời sống thu nhập của người lao động, kế đến là lòng tin, an ninh trật tự xã hội.
Lạm phát tăng cao cũng ảnh hưởng đến mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong năm nay cần xem xét lại tỷ lệ hộ nghèo cho chính xác. Vì xác định tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là trên cơ sở chỉ số giá, lạm phát không quá 8%. Nhưng bây giờ chỉ số lên gần 12% thì đương nhiên những hộ cận nghèo sẽ thành nghèo. Cho nên tỷ lệ phải sửa lại.
Tôi muốn nhắc lại là dù có thực hiện biện pháp gì cũng phải bám sát mục tiêu tổng quát của Nghị quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011 là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, chú ý đến vấn đề an sinh xã hội. Theo hướng này có hai nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất để hoạt động bình thường và đảm bảo đời sống thực tế của tuyệt đại đa số người dân. Có như vậy xã hội mới ổn định và lúc đó đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
- Đứng trước những khó khăn và các biện pháp đối phó được Chính phủ thực hiện, ông đánh giá như thế nào về khả năng thực hiện thành công chỉ tiêu tổng quát kinh tế xã hội của năm 2011?
- Bây giờ mới là tháng thứ 2. Chính phủ đã bàn và có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Và dù biện pháp nào đi nữa thì cần thời gian nhất định kiểm chứng thực tế thì mới biết hiệu quả đến đâu. Nếu các biện pháp áp dụng từ giờ thì ít nhất phải đến tháng 6 mới đánh giá được khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra năm 2011.
Tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã báo cáo bổ sung việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2010 và việc thực hiện nhiệm vụ hai tháng đầu năm 2011. Khi kết luận, tôi có lưu ý hai vấn đề là chỉ số giá và lạm phát dừng ở mức cao cuối năm ngoái và giá trị đồng tiền của Việt Nam. Hai vấn đề rất lớn, đặt ra thách thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ của năm 2011.
- Trong trường hợp khó hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Quốc hội và Chính phủ liệu có tính tới khả năng điều chỉnh?
- Chỉ tiêu chỉ là một mặt phải tính đến trong công tác quản lý. Cái chính là phải hướng đến đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân được cải thiện. Điều chỉnh chỉ tiêu, nhưng không có ý nghĩ bao nhiêu nếu không có biện pháp thực hiện.
- Trong cuộc sống gia đình, ông có nghe than thở nhiều về biến động giá và lạm phát?
- Vợ tôi cũng hay than thở về chuyện mang 100.000 đồng ra chợ không biết mua cái gì. Tôi bảo trong 100.000 đồng ấy, bà và mọi người phải tính toán cho phù hợp. Tuy thế, tôi vẫn nói rất may mà có vợ. Bà tính toán đủ chi tiêu trong 30 ngày, thậm chí còn dôi dư chút đỉnh. Chứ cho anh em mình giữ tiền thì chỉ trong 10-15 ngày là hết.