Vốn chính sách sát cánh cùng người nghèo

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện.

Bám sát chủ trương của TP, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội (NHCSXH Hà Nội) luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với người nghèo trên mặt trận giảm nghèo, xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hoạt động đưa đồng vốn đến từng hộ gia đình nông thôn.
Cánh tay nối dài tới người nghèo

9 tháng đầu năm 2018, được sự quan tâm của Thành ủy, UBND TP bố trí vốn chuyển ủy thác sang NHCSXH Hà Nội là 460 tỷ đồng. NHCSXH đã sử dụng nguồn vốn này cho vay các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, NHCSXH đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cùng vào cuộc tham gia truyền tải, giúp các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi...
Chị Nguyễn Thị Vân (bên phải) xã Yên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội) nhờ tiếp cận được vốn chính sách đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Ảnh: Nguyên Anh
Ông Nguyễn Kim Phung, Giám đốc NHCSXH Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm, nguồn vốn NHCSXH cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể đã cho vay được trên 85.000 lượt hộ, trong đó trên 25.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; gần 31.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút trên 35.000 lao động; cải tạo trên 47.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo trên 3.800 căn nhà cho hộ nghèo; cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 133 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% trên tổng dư nợ, giúp cho 1.000 lượt học sinh sinh viên được vay vốn học tập.

"Nguồn vốn chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,7% vào năm 2016, đến nay chỉ còn 1,7% hộ nghèo, giúp xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018." - Chủ tịch UBND xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) Đặng Duy Quang

Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Cơ hội đổi đời

Vào những ngày giao dịch của NHCSXH, trụ sở UBND xã Yên Thái, huyện Thường Tín tấp nập người dân, người đến vay mới, người đến trả nợ. Nhiều bác nông dân phấn khởi bày tỏ, ngân hàng cho vay vốn ưu đãi đến tận xã như này, dân nghèo an tâm, cố gắng tăng gia sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Yên Thái, huyện Thường Tín chia sẻ, có sẵn nghề truyền thống sơn mài, qua Hội phụ nữ xã, chị được tiếp cận nguồn vốn của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 40 triệu đồng, 12 triệu đồng chương trình nước sạch vệ sinh môi trường. Từ nguồn vốn này, cùng với số tiền tích luỹ thêm từ những dịp đi làm thuê, chị Vân đã đầu tư mở xưởng sản xuất và xuất khẩu. Các sản phẩm làm ra được xuất khẩu sang Singapore, Đức, Mỹ… Xưởng sản xuất mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình chị và tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Vân phấn khởi cho biết: “Nhờ vay vốn ưu đãi, gia đình tôi và nhiều gia đình khác trong xã đã có điều kiện để tăng gia sản xuất, đời sống cũng được nâng cao”.

Xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên kinh tế chủ yếu gắn với mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Với sự cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, bức tranh kinh tế dần được thay thế bằng nhiều gam màu tươi sáng. Chị Nguyễn Thị Viển, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên chia sẻ: “Nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ nguồn vốn ưu đãi mà chỉ có sự cố gắng, cần cù lao động của bản thân thì gia đình tôi khó có được cuộc sống đổi thay như ngày hôm nay”.

Ghi nhận thực tế tại địa phương cho thấy, cả cán bộ lẫn người vay vốn đều đánh giá NHCSXH luôn đồng hành cùng người dân, cho vay đúng đối tượng; sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Điều này đã góp phần vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, làm tăng lòng tin của người dân vào các chính sách của Đảng, Chính phủ và chính quyền TP.