Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến kinh tế Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Areland (ESRI) tổ chức diễn ra ngày 9/4 tại Hà Nội, các chuyên gia đã bàn đến 3 vấn đề chính là: Tác động của vốn FDI đến DN Việt Nam; quan hệ hai chiều giữa FDI và tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986 - 2012 và thúc đẩy liên kết giữa DN trong nước với DN có vốn FDI - nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước.
Đánh giá cao đóng góp của cộng đồng DN có vốn FDI đối với kinh tế Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Mai Thị Thu cho rằng, tác động lan tỏa của dòng vốn FDI đối với DN trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung vẫn được xem là một trong những hạn chế, nhất là tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt là “Việt Nam hóa” các DN FDI còn rất thấp. Đơn cử, Canon Việt Nam có 70 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng, nhưng chỉ có 10 DN Việt Nam, số còn lại là DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Đó cũng là thực tế của Honda Việt Nam. Đối với Samsung, các DN Việt Nam chỉ cung cấp được 10% linh phụ kiện…
Các chuyên gia cho rằng, nâng cao khả năng hấp thụ FDI và có chính sách cụ thể để đẩy nhanh sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ vẫn là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đây là các vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng kết quả thực hiện vẫn còn rất hạn chế.
Nhìn từ những mô hình nghiên cứu độc lập, các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra tác động của FDI đến tăngtrưởng kinh tế và đến DN Việt Nam. TS Morgenroth (ESRI) cho rằng, từ kết quả ước lượng bước đầu, có thể thấy nguồn vốn FDI có ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường việc làm nói riêng. "Chi tiêu đối với hàng hóa nội địa ngày càng tăng; số việc làm thứ cấp có thể được tạo ra từ tiêu dùng sản phẩm nội địa của DN FDI và người lao động trong các DN này càng tăng. Tuy nhiên, khi quy về tỷ lệ so sánh, kết quả ước lượng cho thấy, số việc làm thứ cấp đang có xu hướng giảm dần" - TS Morgenroth cho biết.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, FDI không chỉ góp phần khơi dậy đầu tư trong nước mà còn giúp kinh tế Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới. Do vậy cần sự hỗ trợ đầu tư, quản lý đầu tư để DN nước ngoài đi đúng hành lang. “Quản lý không phải săm soi, gây khó dễ cho DN mà hỗ trợ bằng chính sách, tháo gỡ khó khăn của các cơ quan, các cấp các địa phương” - ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.
Khắc Kiên