Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn ngân hàng chưa đến với doanh nghiệp: Nguyên nhân từ hai phía

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều ngân hàng đã hạ mức lãi suất rất thấp nhưng điều kiện vay vẫn quá phức tạp, khiến doanh nghiệp (DN) không thể tiếp cận, trong khi nhiều DN vay được vốn nhưng lại sử dụng chưa hiệu quả.

Thực tế này cho thấy, vốn vẫn chưa được khơi thông, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng có một phần nguyên nhân từ đây.

Vốn ngân hàng chưa đến với doanh nghiệp: Nguyên nhân từ hai phía - Ảnh 1

Để giải quyết nhu cầu khó khăn về vốn, các ngân hàng nên nới điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp. Trong ảnh: Một phân xưởng sản xuất của Công ty Xuân Hòa. Ảnh: Linh Anh

“Nhiều DN không còn đủ sức… đi vay”

"Nếu ngân hàng không cho DN giãn nợ, đảo nợ phục hồi sản xuất thì dù có hạ lãi suất về 9 - 10% cũng không có mấy tác dụng, vì hiện họ không còn đáp ứng được các tiêu chí đảm bảo đồng vốn vay an toàn cho các ngân hàng thương mại. Và hầu như các DN không còn đủ sức để đi vay, không còn ai dám vay" - ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ tại Diễn đàn "Kết nối ngân hàng - DN: Cơ hội vốn cuối năm 2012" diễn ra sáng 20/9 tại Hà Nội.

Ông Nam dẫn chứng bằng chính số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/9, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ đạt 1,82%, rất xa so với chỉ tiêu 8 - 10% của cả năm. Mặc dù tại một số ngân hàng quốc doanh, dư nợ vay các lĩnh vực ưu tiên tăng mạnh với tỷ lệ dư nợ cho vay nhóm này chiếm khoảng 45% trong tổng dư nợ và tăng trưởng mạnh khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ở hầu hết các ngân hàng, tín dụng DN nhỏ và vừa lại giảm mạnh, trong khi tỷ lệ dư nợ ngoại tệ tăng. Bên cạnh đó, cũng không có nhiều DN nhỏ và vừa đáp ứng được các quy định về cho vay ngoại tệ, ngoại trừ khối DN xuất nhập khẩu.

Lý giải cho sự thận trọng của các ngân hàng, TS Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro lãi suất, rủi ro kỳ hạn do tín dụng ngân hàng đang kiêm nhiệm cả chức năng của thị trường vốn, do các khoản cho vay khó thu hồi vì khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không tiêu thụ được sản phẩm… Việc không chuyển nhóm nợ sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng nhưng lại làm tăng rủi ro cho NH do không trích lập dự phòng rủi ro. Đây là thực trạng làm cho vốn ngân hàng chưa đến được nhiều với  các DN.

Ngân hàng cần “cởi mở” trước

Từ góc độ DN, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi, chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho biết, thực tế, tiền từ ngân hàng chưa về tay DN, hai bên chưa có tiếng nói chung. Trong khi ngân hàng thừa vốn, DN cần vốn sản xuất lại không tiếp cận được. Đại diện một DN đề nghị: "Các ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ, nên bỏ vốn để giúp DN sản xuất kinh doanh. Như ngành chăn nuôi, nếu ngân hàng không hỗ trợ, sẽ có rất nhiều DN, hộ gia đình bỏ nghề. Như thế rất có thể dịp cuối năm nay, người tiêu dùng sẽ phải mua 100.000đồng/kg thịt lợn. Hệ lụy, thịt lợn nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân". Từ đó, vị đại diện này đề nghị ngân hàng và Nhà nước phải vào cuộc để viễn cảnh trên sẽ không diễn ra.

Còn ông Lại Văn Toàn, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Lạng Sơn cho biết, có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng. Có những DN lập nên nhờ tiền hoặc đất đai thừa kế và lấy đó làm tài sản, nên điều kiện thế chấp khó đảm bảo. "Ưu tiên hiện nay là thay đổi tiêu chí cho vay phù hợp với các DN nhỏ và vừa, nếu cứ áp các tiêu chí như từ trước đến nay sẽ rất khó cho nhiều DN" - ông Toàn đặt vấn đề.

Từ các kiến nghị tại Diễn đàn có thể thấy, quan hệ giữa ngân hàng và DN còn khoảng cách khá xa, để thu hẹp khoảng cách này và dòng vốn được lưu thông mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, chính các ngân hàng cần phải cởi mở trước, kế đến là các DN chủ động làm lành mạnh mình để gây dựng lòng tin với các ngân hàng.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là việc kết nối giữa ngân hàng và DN. Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát. Song, khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN vẫn còn đang rất khó khăn. Thực tế, nguồn cung vốn của ngân hàng cho DN còn khá lớn. Ngân hàng và DN cần ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung, ngân hàng cần tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn giá rẻ, còn DN phải chứng tỏ được khả năng sử dụng nguồn vốn đó cho thật hiệu quả.

TS Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam