Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn ngoại đổ vào ngân hàng nội

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, các nhà đầu tư (NĐT), tổ chức và cá nhân nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Điều này cho thấy sự hấp dẫn trở lại của ngành ngân hàng đối với vốn ngoại.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Agribank. Ảnh: Thanh Hải
Ngân hàng lớn tăng vốn, hút vốn ngoại

Tại Hội nghị ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, các ngân hàng lớn đều đặt ra yêu cầu tăng vốn điều lệ gồm các Ngân hàng Agribank, VCB, BIDV và VietinBank. Theo phát biểu của một đại diện lãnh đạo khối "Big 4", nếu tính theo chuẩn mực Baseal 2, các thành viên trong khối có nguy cơ không đảm bảo được hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR).

Thực tế, áp lực tăng vốn của nhóm ngân hàng lớn ngày một cấp bách. Điểm chung tại các ngân hàng này 2 năm qua và cho đến nay trong kế hoạch tăng vốn vẫn là phải thực hiện giải pháp tình thế, chấp nhận đi vay bằng trái phiếu dài hạn với lãi suất cao. Kiến nghị tăng vốn điều lệ ở nhóm này bắt đầu nóng lên đầu năm 2016, sau khi một số thành viên tổ chức đại hội đồng cổ đông với kế hoạch dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này vẫn không được chấp thuận.
Những nhân tố ngoại có thể góp phần cải thiện được các vấn đề còn hạn chế của các ngân hàng nội như quản trị, khung pháp lý và giúp gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. Đặc biệt sự “đổ bộ” của dòng vốn từ các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp chuyển giao chuyên môn và nâng cao tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này có lợi cho cả ngân hàng lẫn người vay tiền. 

Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải
Gần đây, Chính phủ, NHNN đã bật đèn xanh với việc hút vốn ngoại của các nhà băng này. Cụ thể, VCB vừa được NHNN phê duyệt tăng vốn 10%. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên hơn 39.575 tỷ đồng sau đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10% cho NĐT nước ngoài đã được thông qua từ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017. Tương tự, tại BIDV, nhiều khả năng NĐT chiến lược sẽ là ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana. Liên quan tới việc hợp tác với định chế tài chính này, ngày 14/9, BIDV đã có thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 10/2018. Trong khi đó, ngân hàng đến từ Nhật Bản là The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ đã là cổ đông ngoại sở hữu lượng cổ phần lớn nhất (19,73%) và là cổ đông lớn thứ hai của VietinBank.

Theo đánh giá của giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài, việc bán thêm vốn của các ngân hàng quốc doanh sẽ thu hút sự quan tâm của các NĐT, nhất là khi các thương vụ tăng vốn tới đây của VCB, BIDV đều đã có những NĐT nước ngoài sẵn sàng đăng ký mua.

Ngân hàng nhỏ: M&A nhanh gọn

Ở khối ngân hàng nhỏ hơn, mở màn cho một năm 2018 mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động là thương vụ Warbug Pincus - công ty quản lý quỹ quyết định rót 370 triệu USD vào Techcombank, ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng xếp vào nhóm cao hiện nay.

Không chỉ Techcombank, từ giữa năm ngoái, đã có rất nhiều ngân hàng tư nhân tìm kiếm dòng vốn ngoại. Chẳng hạn, VPBank huy động thêm 300 triệu USD từ cổ đông ngoại từ phương án chào bán sổ sách. Tương tự, cuối năm 2017 HDBank thu về hơn 300 triệu USD từ việc bán cổ phần cho 76 nhà đầu tư nước ngoài (sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu); hay như Standard Chartered Bank vừa chấm dứt vai trò NĐT chiến lược sau hơn 12 năm đầu tư tại ACB thì mới đây, nhóm Alp Asia Finance Limited đã trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn ngân hàng này.
Ngân hàng ngoại với lợi thế về mạng lưới hoạt động rộng rãi cùng kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế nên khi vào Việt Nam, nếu M&A được thực hiện tốt, bài bản, được kiểm soát chặt chẽ có thể giúp xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, tăng quy mô sức mạnh của ngân hàng nội, qua đó tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho thấy sự trở lại của ngành ngân hàng thời gian gần đây và một phần nhằm phục vụ việc tăng vốn, hướng tới đáp ứng chuẩn Basel II, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Trong bối cảnh này, mong muốn của các NĐT ngoại, cũng như bản thân các ngân hàng trong nước là nới thêm room (tỷ lệ sở hữu nước ngoài). Mức đề nghị là 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%.

Thông tin Chính phủ có thể sẽ dừng thành lập mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài thu hút sự quan tâm của giới tài chính. Thị trường Việt Nam vẫn đang là điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều nhà băng ngoại. Bằng chứng là thời gian qua, các ngân hàng ngoại khuếch trương hoạt động tại Việt Nam bằng việc mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Trong đó, nhiều ngân hàng bày tỏ tham vọng lớn với thị trường Việt Nam, đặc biệt là mảng bán lẻ.