Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vốn nhà nước ở Vietcombank: Ai quản lý?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dưới góc độ doanh nghiệp, ai là người đại diện chủ sở hữu quản lý phần vốn nhà nước đối với Vietcombank cũng như nhau.

KTĐT - Dưới góc độ doanh nghiệp, ai là người đại diện chủ sở hữu quản lý phần vốn nhà nước đối với Vietcombank cũng như nhau.

Lâu nay các cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và công chúng vẫn tưởng rằng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng tham gia với các bộ, ngành khác quản lý vốn nhà nước ở Vietcombank.

Nhưng mới đây, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 19/12/2009, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC Vũ Văn Ninh cho biết không phải vậy.

Ông Ninh nói: “Theo nguyên tắc nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa xong được giao về SCIC quản. Ban đầu Vietcombank định giao về cho SCIC. Nhưng sau khi cổ phần hóa, Thủ tướng lại không giao cho SCIC nữa”. Vậy ai đang quản lý vốn nhà nước ở Vietcombank?

Sự đối chọi của các văn bản

Ngày 26/9/2007, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định số 1289 phê duyệt phương án cổ phần hóa Vietcombank, theo đó SCIC được giao là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại ngân hàng. Tuy nhiên, theo Nghị định 96/2008 ban hành năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, thì Ngân hàng Nhà nước là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các ngân hàng thương mại.

Sau đó Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8235 do Phó chủ nhiệm Văn phòng Phạm Văn Phượng ký ngày 1/12/2008 gửi Vietcombank, nêu rõ: “Về đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietcombank: giao Ngân hàng Nhà nước cử người làm đại diện phần vốn nhà nước và tham gia hội đồng quản trị ngân hàng này”.

Khi Vietcombank trở thành ngân hàng cổ phần, cả Ngân hàng Nhà nước và SCIC đều có đại diện trong hội đồng quản trị. Ngân hàng Nhà nước cử ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng làm đại diện. Bộ Tài chính cử ông Trần Văn Tá, Tổng giám đốc SCIC, làm đại diện. Hiện nay ông Tá vẫn là một trong số tám thành viên hội đồng quản trị của Vietcombank, tham gia đầy đủ các phiên họp hội đồng quản trị của ngân hàng.

Bên cạnh đó, không thể không nhận thấy Bộ Tài chính và SCIC khá tích cực trong việc quyết định các kế hoạch của Vietcombank. Gần đây nhất là việc phát hành thêm 9,28% cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ cho Vietcombank. Trong Văn bản số 1672 ngày 30/7/2009 trả lời việc phát hành thêm của Vietcombank, SCIC nói rõ tổng công ty đăng ký tham gia mua hết số cổ phiếu được mua với tư cách cổ đông hiện hữu.

Còn Bộ Tài chính trong Công văn số 12421 ngày 3/9/2009 cũng nhấn mạnh Vietcombank phải báo cáo đại diện cơ quan chủ sở hữu phần vốn nhà nước quyết định việc phát hành thêm.

Rõ ràng SCIC trên thực tế đang tham gia cùng với Ngân hàng Nhà nước quản lý vốn nhà nước tại Vietcombank. Đó là chưa kể Vietcombank đã nộp cho Bộ Tài chính và SCIC hơn 9.000 tỉ đồng từ tổng số thặng dư thu được trong việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Lại rắc rối vì chưa có tiền lệ

Hiện Hội đồng quản trị của Vietcombank có tám người, trong đó ba thành viên thuộc ban điều hành ngân hàng là chủ tịch, tổng giám đốc và một phó tổng giám đốc. Ba thành viên còn lại không trong ban điều hành, nhưng cũng là người của ngân hàng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ai là người đại diện chủ sở hữu quản lý phần vốn nhà nước đối với Vietcombank cũng như nhau. Nhưng quan trọng là các đại diện này phải thống nhất trong việc ra quyết định, tạo thuận lợi cho ngân hàng trong kinh doanh.

Bằng các quyết định số 12421 và 1672, Bộ Tài chính và SCIC đã đồng ý với việc phát hành thêm cổ phiếu của Vietcombank (văn bản số 12421 của Bộ Tài chính nêu rõ việc phát hành thêm cổ phiếu phải được đại hội cổ đông thông qua và đại hội đồng cổ đông Vietcombank ngày 19/11/2009 đã thông qua). Nghị quyết đại hội đồng cổ đông và phương án tăng vốn điều lệ năm 2009 đã được Vietcombank gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM để công khai cho các nhà đầu tư biết.

Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đã có Văn bản số 2307 ngày 16/12/2009 gửi Vietcombank thông báo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu Vietcombank khẩn trương chọn đối tác chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định để hoàn thành việc cổ phần hóa giai đoạn 1 theo Quyết định số 1289.

Theo khoản 6 điều 1 của Quyết định 1289 thì giai đoạn 1 cổ phần hóa của Vietcombank bao gồm IPO, bán cổ phần cho người lao động, chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu và lựa chọn đối tác chiến lược. Vietcombank đã hoàn tất ba khâu của giai đoạn 1, trừ lựa chọn đối tác chiến lược.

Công bằng mà nói Vietcombank không phải không nỗ lực tìm đối tác chiến lược (cả trong và ngoài nước), nhưng sự biến động của thị trường tài chính quốc tế và nội địa đã ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm của ngân hàng. Cho đến nay, những thỏa thuận của Vietcombank với một số đối tác chiến lược chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ, để chờ đợi chọn lựa xong đối tác chiến lược, Vietcombank sẽ giải quyết như thế nào đây kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn. Mà không tăng được vốn thì đến ngày 31/12/2009 hệ số an toàn vốn CAR của Vietcombank sẽ tụt xuống dưới 8%, tức là vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hệ số an toàn vốn tối thiểu của một tổ chức tín dụng phải là 8% trở lên.

Sự rắc rối của Vietcombank là chưa có tiền lệ. Vietcombank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên cổ phần hóa, là ngân hàng đầu tiên mà giá IPO cao gấp đôi giá tham chiếu ngày niêm yết, là ngân hàng đầu tiên mà cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu ưu đãi với giá cao hơn giá giao dịch trên sàn hiện nay.

Những cái đầu tiên đó đòi hỏi sự chung tay tháo gỡ của các bộ, ngành vì lợi ích của doanh nghiệp, của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cả tiến trình cổ phần hóa. Tiếc thay chính vào lúc khó khăn này, người đứng đầu Bộ Tài chính lại nói rằng sau cổ phần hóa Vietcombank không được giao cho SCIC nữa!