Liên tiếp trong những ngày qua, đánh bom liều chết và tấn công khủng bố có liên quan đến các nhóm người tại Syria đã diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Các nhà quan sát nhận định diễn biến trên tại khu vực Cận và Trung Đông đã tạo ra một vòng cung bất ổn mới. Vài năm qua, một “thế hệ Internet” đã hình thành tại khu vực này với những nhận thức hoàn toàn khác biệt về bản thân, mà biểu hiện rõ nét nhất là sức mạnh của “Mùa xuân Ả Rập”. Trong giai đoạn đầu tiên, sức mạnh của của phong trào này đã tập trung vào việc chống lại chế độ cầm quyền độc tài và thổi một “luồng gió mới” cho khu vực. Tuy nhiên, mục đích ban đầu của “Mùa xuân Ả Rập” bị mai một dần, khu vực dần rơi vào tình trạng mà các nhà quan sát gọi là “thời kỳ trung cổ phân mảnh” với đặc trưng là xung đột sắc tộc giữa các giáo phái, các cộng đồng như người Sunni, Alawite.
Nhân viên y tế hỗ trợ những người bị thương sau vụ đánh bom ở TP Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20/8.
Vốn quan tâm đến Trung Đông – khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất thế giới, Mỹ và các đồng minh không thể bỏ lỡ thời cơ tham gia vòng cung này. Ngoài đòn trừng phạt kinh tế, chính trị, ngoại giao nhằm vào Iran, Syria… những tuyên bố nhằm tăng sức ép lên chính quyền các quốc gia này đã được các chính trị gia phương Tây đưa ra liên tiếp. Trung tuần tháng 7, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Mỹ đã thông báo kế hoạch của cuộc tập trận hải quân tại khu vực Trung Đông và vùng Vịnh Ba Tư từ 16 – 27/9 với sự tham gia của hơn 20 quốc gia nhằm biểu dương lực lượng để cảnh báo Iran và Syria.
Thực ra, khi còn giữ cương vị là Tổng thống Mỹ, ông George Bush từng nhấn mạnh, phương Tây đang giúp khu vực Trung Đông di chuyển từ vòng cung bất ổn đến vòng cung tự do. Tuy nhiên, năm 2005, “Cách mạng cây tùng” tại Lebanon được Washington hỗ trợ đã thất bại, cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cũng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Nhiều khả năng việc can dự vào khu vực này sẽ được áp theo “kịch bản Libya“ thông qua bàn tay của “các nhà thầu địa phương”, nhằm hạn chế việc phải chịu trách nhiệm về những diễn biến trên địa bàn. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược dễ thực hiện vì Trung Đông là khu vực tập trung nhiều quyền lợi của Nga, Trung Quốc. Tình hình bất ổn tại vòng cung này hoàn toàn có thể lan ra khu vực khác, thổi bùng lên một cuộc chiến toàn cầu nếu các bên không đạt được thỏa hiệp về lợi ích.